Một triệu héc ta lúa giảm phát thải: vì sao thận trọng với mô hình thí điểm?

Nền tảng cho các mô hình thí điểm trong đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã sẵn sàng. Thế nhưng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong các địa phương được chọn thí điểm phải thận trọng, rà soát kỹ và thực hiện bằng cái tâm với người nông dân…

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp được thí điểm xuống giống ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh

Năm địa phương ở ĐBSCL được chọn triển khai thí điểm mô hình của đề án nêu trên bao gồm, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Đồng Tháp. Trong đó, mô hình ở thành phố Cần Thơ đã xuống giống vào ngày 2-4-2024.

“Nền tảng” mô hình thí điểm đã sẵn sàng

Tại cuộc họp “Triển khai mô hình thí điểm đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp” diễn ra mới đây ở thành phố Cần Thơ, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị này đã nhận được bản đăng ký mô hình thí điểm của các địa phương nêu trên. “Tuy nhiên, bản đăng ký lần này có sai lệch diện tích, vị trí so với đợt đầu tiên”, ông cho biết.

Theo ông Tùng, về quy mô được các địa phương đăng ký thí điểm, thì Cần Thơ thực hiện ở huyện Vĩnh Thạnh 53 héc ta, đã xuống giống vào ngày 2-4-2024. Còn tỉnh Kiên Giang đăng ký hai địa điểm với tổng diện tích 340 héc ta, trong đó, điểm ở huyện Tân Hiệp quy mô 200 héc ta và huyện An Minh là 140 héc ta.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, theo ông Tùng, địa phương đăng ký hai địa điểm với quy mô 689 héc ta, trong đó, điểm ở huyện Long Phú 609 héc ta và ở Ngã Năm 80 héc ta. Tỉnh Trà Vinh đăng ký ở huyện Châu Thành với quy mô 100 héc ta. “Còn tỉnh Đồng Tháp, sau nhiều thay đổi, bây giờ địa phương đăng ký ở huyện Tam Nông quy mô 50 héc ta”, ông Tùng thông tin.

Vị phó cục trưởng Cục trồng trọt yêu cầu các địa phương có mô hình thí điểm thống nhất lại diện tích, kể cả thời gian và địa điểm xuống giống cho cả vụ Hè thu, Thu đông 2024 và Đông xuân 2024-2025.

Theo ông, để thực hiện các mô hình thí điểm của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, đơn vị này đã gửi bản phân công công việc, nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đây là “nền tảng” để thực hiện các mô hình thí điểm của đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Theo đó, Cục trồng trọt là đơn vị chủ trì, có nhiệm chủ yếu là tổng hợp, theo dõi các biện pháp chung, chỉ đạo sản xuất theo quy trình đã ban hành, giám sát quá trình thực hiện mô hình, đánh giá rà soát quy trình canh tác để rút kinh nghiệm các mô hình điểm.

Các đơn vị phối hợp thực hiện, bao gồm Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn; Trung tâm khuyến nông quốc gia; Viện môi trường nông nghiệp; Văn phòng điều phối nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL; Viện lúa ĐBSCL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh…

Đối với Cục kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn có nhiệm vụ tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực hợp tác xã trong mô hình theo tiêu chí của đề án. Đồng thời tập huấn tăng cường năng lực cho các tổ chức trong mô hình và đơn vị phối hợp là các đơn vị còn lại.

Trong khi đó, Trung tâm khuyến nông quốc gia sẽ tổ chức đào tạo cho khuyến nông viên, hợp tác xã và cán bộ kỹ thuật địa phương có liên quan về quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính; tập huấn quy trình canh tác giảm phát thải cho nông dân tham gia mô hình; chỉ đạo cán bộ khuyến nông theo dõi giám sát thực hiện quy trình canh tác giảm phát thải đã ban hành và MRV (công cụ đánh giá các hoạt động giảm phát thải); phối hợp các địa phương báo cáo xác nhận để làm căn cứ công nhận lúa canh tác theo quy trình giảm phát thải.

Đối với Viện lúa ĐBSCL sẽ phối hợp với Viên nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và các tổ chức trong xây dựng các mô hình nền để áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp; tham gia tập huấn nông dân và phối hơp với Cục trồng trọt trong đánh giá; hoàn thiện quy trình canh tác giảm phát thải trong đề án trên cơ sở áp dụng tại các điểm thí điểm.

Viện môi trường nông nghiệp có nhiệm vụ hoàn thiện quy trình MRV và triển khai tại các mô hình điểm, tập huấn phương pháp ghi chép, báo cáo giám sát cho các địa phương và cán bộ khuyến nông cơ sở; thực hiện đo đạc lượng giảm phát thải để tổng hợp báo cáo cuối mỗi vụ làm căn cứ đánh giá hiệu quả mô hình.

Trong khi đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh sẽ bố trí mô hình đảm bảo tiêu chí thực hiện đề án để xây dựng mô hình thí điểm; phối hợp với các đơn vị xây dựng mô hình nền áp dụng quy trình canh tác chất lượng cao, phát thải thấp; cử cán bộ tham gia tập huấn nông dân về sản xuất lúa áp dụng quy trình sản xuất chất lượng cao, giảm phát thải…

Với sự phân công nhiệm vụ chi tiết và rõ ràng cho các bên liên quan như nêu trên có thể khẳng định “nền tảng” để triển khai thí điểm mô hình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL đã sẵn sàng.

Ít nhưng làm thật, hơn nhiều mà không thực tế!

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương nên thu hẹp diện tích thí điểm, rà soát kỹ và làm việc bằng cái tâm vì người nông dân, chứ không theo kiểu “ngồi phòng lạnh, dựa vào cấp dưới báo lên”.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý, các địa phương chỉ nên thí điểm với quy mô 50 héc ta/mô hình. “Chỗ nào có điều kiện liền ranh thì có thể làm khoảng 70 héc ta hoặc 40-45 héc ta, nhưng chỉ nên ở mức 100 héc ta trở lại”, ông nêu quan điểm.

Nhiều chuyên gia cho rằng làm ít mà hiệu quả để nhân rộng dần hơn là làm lớn mà thất bại ngay từ đầu. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Câu hỏi được đặt ra, vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại thận trọng với các mô hình thí điểm, dù “nền tảng” để triển khai đã sẵn sàng?

Theo ông Nam, hiện nông dân vẫn chưa thật sự tin tưởng, cho nên, làm lớn sẽ khó kiểm soát. “Mô hình ở Vĩnh Thạnh, địa phương (thành phố Cần Thơ) đăng ký 100 héc ta, sau đó còn khoảng 50 héc ta, nhưng ít lâu sau có thêm một số hộ rút lui, không dám làm nữa”, ông dẫn chứng và cho rằng, địa phương muốn nhiều trong khi “cách suy nghĩ” của nông dân lại khác nên thận trọng là cần thiết.

Một minh chứng khác được vị Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra, đó là một hợp tác xã ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Khi đoàn khảo sát đến kiểm tra để triển khai mô hình, thì ai cũng hào hứng. Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, địa phương báo lại… “nông dân rút hết một số rồi”.

Từ vấn đề nêu trên, ông Nam cho rằng, triển khai quy mô nhỏ nhưng làm thật sự, còn hơn ào ạt đăng ký ghi thành tích, nhưng làm không được là không nên. “Đăng ký thì đăng ký, nhưng phải thực sự là làm, chứ đăng ký kiểu ‘ghi chép lại từ cấp dưới’ là không nên vì có thể dẫn đến hậu quả rất lớn”, ông nói và yêu cầu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương có mô hình thí điểm kiểm tra, rà soát thực tế.

Ông Nam cũng kêu gọi, tất cả các bên liên quan cần làm việc bằng cái tâm vì ngành nông nghiệp và người nông dân hơn là vị thế lãnh đạo. Khi có tâm, đi thực tế khảo sát thì mới chính xác. “Tôi không ngại số liệu tăng, nhưng tôi ngại là không thực tế”, ông nói.

Sau vụ Hè thu 2024 này, mô hình tiếp tục triển khai vụ Thu đông 2024 và Đông xuân 2024-2025 để có kết quả giảm phát thải thật sự. Còn hiện tại nói giảm phát thải là chưa thực tế vì chưa có cơ sở trên thực tế.

Từ những phân tích nêu trên, ông Nam đặt vấn đề, các địa phương có cần thiết thí điểm 300 hay 500 héc ta hay không? “Quan điểm của tôi, chúng ta cố gắng 50 héc ta/mô hình thôi. Làm ít nhưng làm thật để ra được kết quả, còn hơn làm nhiều nhưng không thực tế”, ông nhìn nhận.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mot-trieu-hec-ta-lua-giam-phat-thai-vi-sao-than-trong-voi-mo-hinh-thi-diem/