Trình Quốc hội 2 phương án về bảo hiểm xã hội một lần, thêm giải pháp hỗ trợ người lao động khó khăn

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì dù lựa chọn phương án nào thì Chính phủ cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại Kỳ họp (Ảnh: Quochoi)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại Kỳ họp (Ảnh: Quochoi)

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, ngoài việc kế thừa quy định tại Điều 60 của Luật BHXH hiện hành đối với các trường hợp giải quyết hưởng BHXH một lần như: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS, thì dự thảo luật còn quy định điều kiện hưởng BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ hai mươi năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Sáu theo hai phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm: Nhóm 1, tiếp tục được áp dụng điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như quy định tại Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động, tức là: Người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện.

Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần này.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (Ảnh: VGP)

Theo điểm 6 mục III tại Nghị quyết 28-NQ/TW, có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Cùng với đó, sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỉ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành Phương án 1 và cũng là ý kiến của đa số người lao động một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để hạn chế tốt nhất việc người lao động phải lựa chọn việc hưởng BHXH một lần, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động thì dù lựa chọn phương án nào thì Chính phủ cũng đều phải có thêm các giải pháp khác để hỗ trợ người lao động khó khăn khi có nhu cầu cần tiền để trang trải cuộc sống; nếu không, người lao động vẫn có nhu cầu hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền mặt để giải quyết khó khăn trước mắt.

Mộc Trà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/trinh-quoc-hoi-2-phuong-an-ve-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-them-giai-phap-ho-tro-nguoi-lao-dong-kho-khan-122968.html