Có cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy di sản thế giới Hội An

Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong cuộc làm việc chiều 4.7, UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, với những đặc thù của di tích trên địa bàn, địa phương đã chủ động xây dựng, tham mưu ban hành nhiều quy định thông qua các quy chế, cơ chế, chính sách...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng phát biểu tại cuộc là việc với UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam chiều 4.7

Cụ thể, đến nay, Hội An đã xây dựng 3 văn bản bảo đảm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An, gồm: Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới khu phố cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 12.1.2012; Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030; Quy chế bảo vệ di sản văn hóa thế giới khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam ban hành tại các Quyết định số 351/QĐ-UBND ngày 11.2.2020 và số 19/2020/QĐ-UBND ngày 18.12.2020.

Riêng Quy chế bảo vệ đã quy định rõ, toàn diện các vấn đề liên quan đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy trong khu phố cổ. Theo đó, khu phố cổ đã được khoanh vùng, xác định rõ phạm vi bảo vệ gồm 2 khu vực: Khu vực I và khu vực II (gồm IIA và IIB); từng di tích đơn lẻ trong khu vực I cũng đã được phân thành 5 loại mức độ bảo tồn kiến trúc, mỗi loại cũng có những quy định riêng trong hoạt động tu bổ, tôn tạo. Các quy định liên quan đến việc quản lý, bảo vệ tổng thể cảnh quan, không gian, kiến trúc của khu phố cổ; hoạt động tham quan du lịch; kinh doanh, trưng bày hàng hóa, quảng cáo... cũng được quy định cụ thể trong Quy chế này.

Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn kiến nghị có cơ chế đặc thù cho bảo tồn phát huy Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An

Hội An đang xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An để trình UBND tỉnh phê duyệt nhằm cụ thể hóa nhiều chương trình, dự án cụ thể để triển khai thực hiện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ngoài ra, thành phố Hội An cũng đã ban hành một số chính sách liên quan, phù hợp với đặc điểm di tích để quản lý, bảo vệ hiệu quả. Trong đó có Quy chế phối hợp cấp phép và kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng trong khu phố cổ ban hành theo Quyết định số 01/2008/QĐ-UBND ngày 16.5.2008; Cơ chế quản lý hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa - cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân - tập thể trong khu phố cổ Hội An; Cơ chế hỗ trợ kinh phí đầu tư tu bổ các di tích trên địa bàn thành phố Hội An nằm ngoài khu phố cổ ban hành theo Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND ngày 27.7.2010; Quy định về hỗ trợ kinh phí bảo vệ di tích trên địa bàn thành phố Hội An ban hành theo Quyết định số 1628/QĐ-UBND ngày 2.7.2010...

Hiện nay Hội An là một trong những điểm đến du lịch văn hóa quan trọng của Việt Nam đã vươn tầm ra cả thế giới nên cần có những cơ chế, định hướng đầu tư xứng tầm: các thiết chế văn hóa, hạ tầng du lịch, hạ tầng giao thông… Vì thế, Hội An kiến nghị cần có sự hỗ trợ của Trung ương để thực hiện: Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025; Kế hoạch quản lý Di sản Văn hóa thế giới Hội An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

Hỗ trợ xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù cho bảo tồn phát huy Di sản thế giới Đô thị cổ Hội An. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa đề ra các quy định bảo đảm quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa thế giới có tính đặc thù như đô thị cổ Hội An, như bổ sung định nghĩa về đô thị di sản, pháp lý cho đô thị di sản.

Đoàn khảo sát thăm cơ sở sản xuất đèn lồng truyền thống tại Hội An

Đoàn khảo sát ghi nhận, Hội An đã có cách làm riêng, vừa bảo vệ, vừa phát huy được giá trị di sản cho các mục đích khác như tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Để đạt được kết quả đó là sự thống nhất trong nhận thức xác định ngay từ đầu vai trò của văn hóa cũng như bảo tồn và phát triển phù hợp với từng giai đoạn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong lãnh đạo, chỉ đạo đã ban hành hệ thống văn bản quản lý di tích đồng bộ, bài bản, phù hợp với đặc thù của Hội An; đồng thời có sự ủng hộ, vào cuộc của nhân dân - chủ thể của di sản.

Đoàn khảo sát đề nghị Hội An rà soát, đánh giá lại hệ thống văn bản pháp luật, các quy hoạch, quy chế, kế hoạch; bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên liên quan; chú ý công tác thông tin tuyên truyền, vận động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, lấy ý kiến người dân về các chủ trương, chính sách để tạo sự đồng thuận trong tổ chức triển khai thực hiện...

Nhật Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/co-co-che-dac-thu-bao-ton-phat-huy-di-san-the-gioi-hoi-an-i334945/