Gia Lai: Sơ kết 3 năm triển khai 7 kế hoạch của ngành Giáo dục

Chiều 10-5, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), UBND tỉnh Gia Lai tiến hành sơ kết 3 năm triển khai 7 kế hoạch của ngành Giáo dục, giai đoạn 2021-2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Phó Giám đốc Sở Giáo dục (GD-ĐT) Nguyễn Văn Long chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Văn hóa-Xã hội, Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND tỉnh); tập thể lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả triển khai 7 kế hoạch, gồm: Kế hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục mầm non, giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS giai đoạn 1 (2021-2025) của tỉnh Gia Lai và Kế hoạch thực hiện Đề án “đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025” của tỉnh Gia Lai.

Theo đó, trong 3 năm (2021-2023), việc triển khai thực hiện 7 kế hoạch của ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học trên 946,5 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 285 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (đạt 100%). Số học sinh học 2 buổi/ngày tăng hàng năm; tính đến năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày là 91,5% (vượt kế hoạch đề ra).

Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trong 3 năm đều vượt chỉ tiêu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao (đến năm 2023 đạt tỷ lệ 63,67%). Các tỷ lệ: trẻ mẫu giáo ra lớp, trẻ học 2 buổi/ngày, trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, trẻ thừa cân béo phì, giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm trở lên, trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, 100% đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; 129 giáo viên được đào tạo nâng trình độ chuẩn. Sau 3 năm, tỷ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn tăng từ 84,77% lên 88,71%; tiểu học từ 81,36% lên 84,60%; THCS từ 85,49% lên 88,35%; riêng giáo viên THPT đạt chuẩn 100%...

Lãnh đạo các địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện 7 kế hoạch của ngành Giáo dục. Ảnh: Mộc Trà

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện 7 kế hoạch trên. Điển hình như: kinh phí đầu tư cho giáo dục theo đề án tăng cường cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường chưa đáp ứng 100% cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học theo quy định tại các thông tư mới của Bộ GD-ĐT, nhất là các phòng học bộ môn theo quy định.

Đội ngũ giáo viên và nhân viên trong các trường học còn thiếu so với vị trí việc làm và so với chỉ tiêu được giao, đặc biệt đối với giáo dục mầm non và một số bộ môn theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia còn gặp khó khăn…

Hội nghị cũng đánh giá tiến độ các công trình thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị các địa phương phải tổ chức đánh giá sau 3 năm triển khai 7 kế hoạch của ngành Giáo dục để có biện pháp, giải pháp triển khai thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đối với đầu tư cơ sở vật chất, cần đánh giá kỹ, rà soát về hiện trạng cũng như có định hướng đầu tư, xây dựng kế hoạch, lộ trình cho giai đoạn tiếp theo đảm bảo hiệu quả, tránh sai sót.

Về các kế hoạch liên quan đến trình độ chuẩn của giáo viên cũng như đào tạo nâng chuẩn, phải rà soát lại và có lộ trình trong thực hiện kế hoạch đào tạo; quan tâm bồi dưỡng cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, mua sắm, đấu thầu, quản lý các dự án đầu tư, công tác chủ tài khoản…; rà soát và báo cáo lại vấn đề thiếu biên chế.

Các địa phương tiếp tục chỉ đạo về việc sắp xếp trường lớp gắn với sĩ số lớp học và phân công giáo viên giảng dạy đảm bảo phù hợp với quy mô, song tránh nóng vội, gượng ép.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà

Đối với việc thiếu nhân viên y tế trường học, tỉnh đã chỉ đạo giao cho trạm y tế đảm đương công tác y tế học đường của các trường trên địa bàn cấp xã. Riêng với nhân viên kế toán, hiện nay tỉnh đã cho chủ trương tuyển dụng 170/340 chỉ tiêu; trước mắt ưu tiên cho các trường mầm non, tiểu học có tổ chức nội trú, bán trú để thực hiện nhiệm vụ.

Liên quan đến tuyển dụng giáo viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương đã được phân cấp, cùng với Sở GD-ĐT, khẩn trương tuyển dụng đủ số chỉ tiêu đã được phân bổ; đồng thời, giao Sở Nội vụ, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đánh giá lại phân cấp trong tuyển dụng để có hướng dẫn, khắc phục các bất cập.

Nhấn mạnh ý nghĩa, sự cần thiết của Đề án “Củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số, phát triển trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2024-2025, định hướng tới năm 2030”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến, trong đó lưu ý về nguồn lực, tính khả thi của Đề án, làm cơ sở để hoàn chỉnh, trình cấp có thẩm quyền thông qua.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-so-ket-3-nam-trien-khai-7-ke-hoach-cua-nganh-giao-duc-post277110.html