Phụ huynh tiểu học ý kiến, con điểm 9-10 không khen thưởng, bạn điểm 7-8 lại có

Có phụ huynh lên tận trường phản ánh, thậm chí kiện cáo vì cho rằng, thầy cô giáo đánh giá không đúng khi 'con toàn điểm 9, 10' mà không được khen thưởng.

Trên trang “Cộng đồng giáo viên tiểu học” xuất hiện dòng trạng thái: “Kiểm tra được 1 điểm 9 với 1 điểm 7 thì được lãnh thưởng học sinh tiêu biểu. Còn đạt 2 điểm 8 thì không được. Chả hiểu kiểu gì?”.

Dòng chia sẻ trên, lập tức nhận được khá nhiều ý kiến tranh luận. Có người góp ý thẳng thừng “Hãy đọc kỹ Thông tư 27 rồi hãy nói”. Có người lại băn khoăn: “Không biết người thắc mắc là phụ huynh hay giáo viên nhỉ? Giáo viên ai lại đi hỏi thế? Chỉ có thể là phụ huynh thôi”.

Ảnh minh họa.

Tuy thế, trong đội ngũ nhà giáo hiện nay, vẫn còn có thầy cô khi đánh giá nhận xét học sinh chỉ căn cứ vào điểm số mà các em đạt được ở kỳ kiểm tra cuối kỳ (thay vì căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh). Vì thế, nhiều thầy cô giải đáp những thắc mắc từ một số phụ huynh chưa thật sự thuyết phục, tạo ra những tranh cãi trong việc đánh giá xếp loại học sinh vào cuối năm.

Điểm kiểm tra 9, 10 vẫn đánh giá H. (hoàn thành), điểm 7,8 vẫn được đánh giá Tốt (hoàn thành tốt) có đúng không?

Trong thực tế, có không ít trường hợp, học sinh có điểm kiểm tra định kỳ đạt điểm 7, 8 và được giáo viên đánh giá "Hoàn thành tốt", cùng với những môn học và năng lực, phẩm chất khác đạt Tốt nên dành được danh hiệu khen thưởng cuối kỳ, cuối năm.

Ngược lại, đã có những em điểm kiểm tra cuối kỳ đạt 9 và 10 nhưng kết quả đánh giá của giáo viên chỉ ở mức "Hoàn thành" nên dù các môn học khác và 13 năng lực phẩm chất được đánh giá "Hoàn thành tốt" vẫn không được khen thưởng.

Nhiều đồng nghiệp của tôi ở các địa phương kể, có những phụ huynh lên tận nhà trường phản ánh, thậm chí kiện cáo vì cho rằng, thầy cô giáo đánh giá không đúng vì “Con tôi kiểm tra toàn điểm 9, 10 mà lại bị đánh giá thua những em kiểm tra chỉ điểm 7 và 8”. Họ còn quy kết, thầy cô đã thiên vị, không công bằng trong việc đánh giá giữa học sinh này với học sinh khác.

Sẽ có không ít người thắc mắc: "Tại sao kiểm tra đạt điểm 7, 8 lại được giáo viên đánh giá "Hoàn thành tốt", còn kiểm tra đạt điểm 9, 10 có em lại đánh giá chỉ "Hoàn thành?".

Đánh giá cả quá trình học tập, không căn cứ vào nguyên điểm số để đánh giá học sinh

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở bậc tiểu học (khối 1, 2, 3) có 2 lần kiểm tra định kỳ (cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2). Học sinh khối 4, 5 có 4 lần kiểm tra định kỳ (giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối học kỳ 2).

Ngoài những môn đánh giá bằng nhận xét như Nghệ thuật, Thể dục, Tự nhiên và Xã hội...thì những môn Toán, tiếng Việt, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Khoa học, Lịch sử & Địa lý được đánh giá bằng điểm số.

Theo hướng dẫn của Thông tư 27/2020 quy định đánh giá học sinh tiểu học, không căn cứ vào điểm số để đánh giá mà căn cứ vào cả quá trình học tập của học sinh. Điểm số học sinh đạt được trong kỳ kiểm tra cũng chỉ là một trong những tiêu chí để giáo viên xem xét khi đánh giá.

Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Thông tư 27/2020 quy định về nội dung và phương pháp đánh giá như sau:

1. Nội dung đánh giá

a) Đánh giá quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt và biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.

Điểm a, Khoản 1, Điều 7, đánh giá định kỳ nêu rõ:

1. Đánh giá định kỳ về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục

a) Vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học, giáo viên dạy môn học căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và yêu cầu cần đạt, biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của từng môn học, hoạt động giáo dục để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức sau:

- Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập và thường xuyên có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập và có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

- Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập hoặc chưa có biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học hoặc hoạt động giáo dục.[1]

Vì thế, sẽ có trường hợp xảy ra như em A. kiểm tra cuối kỳ 2 môn Toán, tiếng Việt đạt điểm 9, 10 nhưng giáo viên vẫn đánh giá là hoàn thành. Có học sinh, kiểm tra đạt 7, 8 nhưng lại được đánh giá là hoàn thành tốt.

Thông tư 27/2020 quy định về khen thưởng thế nào?

Điều 13. Khen thưởng

Khoản 1, Điều 13, Thông tư 27/2020, quy định về khen thưởng học sinh:

Hiệu trưởng tặng giấy khen cho học sinh:

a) Khen thưởng cuối năm học:

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Xuất sắc cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành xuất sắc;

Điểm a, Khoản 1, Điều 9 quy định "Hoàn thành xuất sắc" là những học sinh có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học của các môn học đạt 9 điểm trở lên;

- Khen thưởng danh hiệu Học sinh Tiêu biểu hoàn thành tốt trong học tập và rèn luyện cho những học sinh được đánh giá kết quả giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt, đồng thời có thành tích xuất sắc về ít nhất một môn học hoặc có tiến bộ rõ rệt ít nhất một phẩm chất, năng lực; được tập thể lớp công nhận.

Điểm a, Khoản 1, Điều 9 quy định "Hoàn thành tốt" là những học sinh chưa đạt mức Hoàn thành xuất sắc, nhưng có kết quả đánh giá các môn học, hoạt động giáo dục đạt mức Hoàn thành tốt; các phẩm chất, năng lực đạt mức Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 7 điểm trở lên;

Học sinh tiểu học hiện có 2 danh hiệu khen thưởng là Học sinh Xuất sắc và Học sinh Tiêu biểu. Yêu cầu của 2 danh hiệu này là các môn đánh giá bằng điểm số và 13 năng lực phẩm chất đều được xếp "Hoàn thành tốt", hoàn toàn không căn cứ vào điểm số.

Vì thế, dù học sinh kiểm tra được 7, 8 nhưng đã được giáo viên đánh giá Hoàn thành tốt, cùng với những môn học và năng lực phẩm chất đạt Tốt, học sinh ấy vẫn được khen thưởng cuối năm.

Phổ biến rộng rãi Thông tư 27/2020 đến từng phụ huynh

Phụ huynh đóng vai trò khá quan trọng trong việc đánh giá học sinh. Khoản 2, Điều 4, Thông tư 27/2020 quy định:

Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Điểm c, Khoản 1, Điều 6, phần đánh giá thường xuyên về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục quy định:

Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

Tuy nhiên, ở nhiều trường học hiện nay nhận xét, đánh giá học sinh gần như không có sự tham gia của cha mẹ học sinh. Việc phổ biến tinh thần của thông tư đến phụ huynh ở nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, đã không tránh khỏi những “lời qua tiếng lại”, thậm chí có cả những phản ánh, kiện cáo của phụ huynh trong việc đánh giá xếp loại học sinh vào mỗi kỳ tổng kết.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-27-2020-tt-bgddt-quy-dinh-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-190364-d1.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thuận Phương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phu-huynh-tieu-hoc-y-kien-con-diem-9-10-khong-khen-thuong-ban-diem-7-8-lai-co-post242827.gd