Cận cảnh rừng Quốc gia tại Đắk Lắk, Lâm Đồng bị phá để làm đường khi chưa được phép

Hơn 15ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) cùng nhiều diện tích rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã bị đơn vị thi công dự án đường Trường Sơn Đông phá trắng khi chưa được phép chuyển đổi.

Hơn 15ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) cùng nhiều diện tích rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã bị đơn vị thi công dự án đường Trường Sơn Đông phá trắng khi chưa được phép chuyển đổi. Vụ việc đã vi phạm nghiêm trọng Luật Lâm nghiệp và các quy định liên quan. Tỉnh Đắk Lắk đang đề nghị Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng), chủ đầu tư dự án Trường Sơn Đông chỉ đạo đình chỉ ngay việc thi công. (Ảnh: Khu vực san ủi rừng thuộc Tiểu khu 1383 và 1402, lâm phần Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, địa phận xã Bông Krang, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng)

Một con đường dài hơn 7km, xuyên qua hai tiểu khu của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã bị san ủi, với hơn 15ha rừng thiệt hại. Cuối tháng 1/2022, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk phát hiện vụ việc vào thì rừng đã bị phá trắng.

Vị trí san ủi rừng thuộc gói thầu Đ41 của dự án đường Trường Sơn Đông, do Ban quản lý dự án 46 (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng) làm đại diện chủ đầu tư, Công ty Cổ phần xây dựng công trình 412 thi công.

Toàn bộ cây rừng trên đoạn đường này đều bị đào, múc, san lấp, thiệt hại về rừng là 100%. Một số điểm cây rừng nằm ngổn ngang ở phần ta luy âm của đường.

Tại địa phận tỉnh Lâm Đồng, việc san ủi rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bi Doup - Núi Bà cũng đang diễn ra.

Việc san ủi diễn ra tại gói thầu Đ42 và C13, Dự án đường Trường Sơn Đông.

Một con đường xuyên qua rừng nguyên sinh, nhưng lãnh đạo VQG Bi Doup Núi Bà không nắm được đã có quyết định chuyển đổi rừng hay chưa.

Tháng 8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo chủ đầu tư dự án đường Trường Sơn Đông phối hợp các tỉnh làm thủ tục chuyển đổi tổng diện tích rừng một lần, không tách riêng từng gói thầu.

Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh đã hướng dẫn cụ thể Ban quản lý dự án 46 làm các thủ tục để chuyển đổi rừng. Tuy nhiên, khi chưa hoàn thiện các thủ tục, chưa được phê duyệt chuyển đổi thì đơn vị thi công đã san ủi rừng.

Theo quy định, rừng đặc dụng là tài nguyên quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt; việc chuyển đổi cần phải thông qua Quốc hội, Chính phủ.

Việc đơn vị thi công tự ý san ủi rừng chẳng những sai quy định mà có thể tạo kẽ hở cho nạn phá rừng và chiếm đoạt tài nguyên gỗ ở các Vườn Quốc gia Chư Yang Sin và Bi Đoup Núi Bà./.

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/can-canh-rung-quoc-gia-tai-dak-lak-lam-dong-bi-pha-de-lam-duong-khi-chua-duoc-phep-post924022.vov