Xanh hóa khu công nghiệp

Sự phát triển khu công nghiệp sinh thái được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích

T rong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương - "thủ phủ công nghiệp" đang định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp (KCN) truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, vượt "bẫy" thu nhập trung bình...

Lợi đơn lợi kép

Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) - người trực tiếp điều hành dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển EIP (sinh thái) tại các KCN được lựa chọn trên cả nước, cho rằng sự phát triển của EIP ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tiết kiệm chi phí. Bằng cách thiết lập EIP được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc triển khai EIP giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử carbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và KCN.

Nhà máy của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) tại KCN VSIP III - Bình Dương là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này, được khởi công năm 2022 và dự kiến đi vào hoạt động năm quý I/2024

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định tỉnh đã và đang tích cực phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ, xây dựng các KCN, đô thị xanh, thông minh, bền vững, tiến tới kiến tạo các KCN gắn liền với khoa học - công nghệ để thu hút các ngành có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp...

Nói về việc chuyển đổi EIP, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC (doanh nghiệp (DN) có vốn chi phối của UBND tỉnh Bình Dương), nhìn nhận khi Nghị định 35 có đặt vấn đề về EIP thì Becamex rất mừng. DN hôm nay phải thay đổi, phải đi theo trào lưu, xu hướng, yêu cầu mới của thế giới, bởi các mặt hàng của DN sản xuất ra không có tính bền vững thì không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ngày nay.

Cần sớm hình thành các tiêu chí

Ông Mai Hùng Dũng cho rằng trong quá trình phát triển của các KCN ở Bình Dương, tỉnh này cũng đã định hình các giai đoạn phát triển, đồng thời nghiên cứu đầu tư các KCN sinh thái. Để làm được điều này, tỉnh đã giao cho Tổng Công ty Becamex IDC, cùng với WB nghiên cứu từ các chính sách, tiêu chí của các EIP, cách thức để đầu tư, cách thức để tiếp cận.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, cho rằng xuất phát từ mong muốn xây dựng hệ sinh thái mới là KCN thông minh - sinh thái, từ tháng 2-2023 đến nay, Becamex đã đồng hành với WB và đơn vị tư vấn kỹ thuật KPMG (Ấn Độ) để thực hiện dự án nghiên cứu tiền khả thi về cơ hội phát triển EIP và khung EIP quốc tế cho KCN-ĐT-DV Bàu Bàng.

Theo ông Dũng, cái gì mới sẽ rất khó khăn, đòi hỏi sự cộng tác từ nhiều phía. Cần phải ban hành khung chính sách, pháp lý; cộng với sự đồng tình của DN, chủ đầu tư thì mới làm được. Ông Dũng khẳng định đây là xu thế toàn cầu; các DN ở Bình Dương tự họ đã chuyển đổi, vấn đề là đưa ra tiêu chí nào đó; hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang có xu thế xây dựng các tiêu chí này.

Riêng Bình Dương, ông Dũng nói cũng sẽ nhờ WB tư vấn theo các tiêu chí của thế giới mới định hình ra các chính sách của mình. Bình Dương cũng đã tiếp cận theo các tiêu chí EIP của thế giới, các cách thực hiện của những nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc… để định hình khung chính sách, bộ tiêu chí… về tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn số, DN cộng sinh, xử lý khí CO2...

"Khi chuyển đổi sang EIP, chúng ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, có thể mất một khoản tiền đầu tư ban đầu nhưng về lâu dài sẽ hình thành những KCN vừa sinh thái vừa hiện đại" - ông Dũng tin tưởng.

Ông Dũng cũng kỳ vọng WB tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Bình Dương, có các chương trình hợp tác, hỗ trợ tỉnh trong thực hiện các nghiên cứu kế tiếp nhằm cụ thể hóa giải pháp để chuyển đổi các KCN hiện hữu cũng như xây dựng KCN mới theo hướng thông minh - sinh thái, làm tiền đề phát triển rộng khắp toàn tỉnh cũng như mang lại ảnh hưởng tích cực lên các địa phương khác.

Để hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển KCN sinh thái (EIP), thể hiện qua việc ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP vào tháng 5-2022, WB đã khởi xướng một dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm đánh giá tính khả thi của việc phát triển EIP tại các KCN được lựa chọn trên cả nước, với mục tiêu hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và chính quyền các tỉnh trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh về môi trường cho các ngành sản xuất của họ thông qua việc thành lập các EIP. Becamex IDC và tỉnh Bình Dương được chọn là đối tác chính cho dự án này.

Theo bà Nah Yoon Shin, các KCN sinh thái có thể được định nghĩa là các khu vực công nghiệp được quản lý nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành và cộng đồng vì lợi ích chung liên quan đến hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện có 3 xu hướng mới đang định hình lại cảnh quan hiện tại và tương lai các KCN, bao gồm: Xanh hóa - Số hóa - Không biên giới hóa.

Bài và ảnh: Nguyên Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-truong/xanh-hoa-khu-cong-nghiep-20230727201055787.htm