WHO nhấn mạnh vai trò vắc xin trong giai đoạn nước rút chống COVID-19

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bản báo cáo COVID-19 hằng tuần mới nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 trong tuần gần nhất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 khi tổ chức này tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

Dù cho rằng đây là đánh giá tích cực nhất về tình hình dịch bệnh sau hơn 2 năm bùng phát nhưng WHO một lần nữa kêu gọi các nước duy trì cảnh giác, nhấn mạnh vai trò của vắc xin phòng bệnh.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ví cuộc chiến chống dịch COVID-19 hiện nay giống như cuộc chạy marathon và đây là giai đoạn nước rút, là lúc thế giới phải chạy nhanh hơn để đảm bảo có thể cán đích và đạt thành quả sau thời gian dài nỗ lực.

Theo ông, các quốc gia cần cẩn trọng xem xét và củng cố các chính sách phòng COVID-19 cũng như những dịch bệnh vì virus khác gây ra trong tương lai. Ông Tedros kêu gọi các nước tiêm phòng 100% cho các nhóm nguy cơ cao và duy trì xét nghiệm phát hiện ca bệnh. Các quốc gia cũng cần duy trì nguồn cung trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực y tế phù hợp.

Trong khi đó, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm của WHO, Maria Van Kerkhove, cho biết thế giới sẽ còn trải qua các làn sóng lây nhiễm khác tại những thời điểm khác nhau, do các biến thể hoặc dòng phụ của biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Làn sóng COVID-19 mùa Hè vừa qua do dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron gây ra cho thấy đại dịch vẫn chưa kết thúc, virus vẫn đang lây lan ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đồng thời, bà nhấn mạnh thế giới đã có công cụ phòng chống dịch quan trọng là vắc xin và các phương thức điều trị bệnh.

Tiến sĩ Michael Head, nhà nghiên cứu cao cấp từ Đại học Southampton (Mỹ) cho rằng nói một cách công bằng thì hầu hết các quốc gia đều đang bước qua giai đoạn ứng phó khẩn cấp với đại dịch và các chính phủ đang cân nhắc cách tốt nhất để ứng phó với COVID-19 bằng những hoạt động chăm sóc y tế và giám sát thông thường.

Thời gian gần đây, việc tiêm vắc xin phòng bệnh, cụ thể là tiêm liều tăng cường, đang được chú trọng tại nhiều quốc gia, trong đó Liên minh châu Âu (EU), Anh và Mỹ đều đã cấp phép sử dụng các loại vắc xin có hiệu quả với virus gốc và biến thể Omicron để chuẩn bị cho các chiến dịch tiêm mũi tăng cường vào mùa đông.

Tại Mỹ, các chuyên gia Mỹ cũng tin tưởng lần gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng vì dịch COVID-19 dự kiến vào giữa tháng 10 tới có thể sẽ là lần cuối Washington phải áp dụng biện pháp này. Các quan chức Mỹ nhận định dù đại dịch COVID-19 chưa qua đi những những thế hệ vắc xin mới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Việc tiêm nhắc lại vắc xin hằng năm sẽ tăng khả năng miễn dịch đủ để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường.

Liên quan đến cuộc chiến chống COVID-19, “Đảo quốc sư tử” đã chi tổng cộng 72,3 tỉ SGD (51,3 tỉ USD), trong hai năm tài chính vừa qua để đối phó với đại dịch COVID-19. Thông tin trên được Bộ trưởng thứ hai Bộ Tài chính, bà Indranee Rajah, công bố trong một cuộc họp tại Quốc hội mới đây.

Trong số này, 13,4 tỉ SGD được chi cho các biện pháp y tế công, 50,6 tỉ SGD được sử dụng để bảo vệ việc làm cho người lao động và doanh nghiệp và 8,3 tỉ SGD hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình. Mức chi chống dịch COVID-19 trong 2 năm qua của Singapore chưa hết số tiền mà nước này đã cam kết và chuẩn bị là 100 tỉ SGD.

Theo bà Indranee Rajah, có hai lý do là khoản tiền dự kiến cho các doanh nghiệp vay do lo ngại tín dụng bị thắt chặt đã không phải dùng đến, và chi tiêu cho lĩnh vực y tế cũng không hết dự toán ban đầu.

Phó Thủ tướng Singapore Vương Thụy Kiệt đã cam kết chi khoảng 100 tỉ SGD đối phó với COVID-19 với 5 gói chi tiêu trong Báo cáo Ngân sách 2020, khi đó ông còn đảm nhiệm vai trò làm Bộ trưởng Tài chính, trong số này, 52 tỉ SGD sẽ được trích từ nguồn ngân sách dự trữ.

Tuy nhiên, theo Báo cáo Ngân sách 2022 được Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong công bố đầu năm 2022 thì Singapore mới chỉ chi 42,9 tỉ SGD từ nguồn ngân sách dự trữ. Bà Indranee cho biết thêm Bộ Tài chính (MOF) đã rà soát các biện pháp kiểm soát và kiểm tra đối với việc mua sắm và chi tiêu liên quan đến đại dịch COVID-19 từ đầu năm nay theo kế hoạch kiểm toán chuyên đề của Văn phòng Tổng kiểm toán (AGO).

Dựa trên các bài học xử lý đại dịch COVID-19 và báo cáo của AGO, MOF đang xem xét lại các hướng dẫn về mua sắm, kiểm soát hợp đồng cũng như thanh toán để bảo đảm các biện pháp kiểm soát phù hợp với các trường hợp khẩn cấp trong tương lai.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286039/who-nhan-manh-vai-tro-vac-xin-trong-giai-doan-nuoc-rut-chong-covid-19.html