'Vũ khí' nào giúp VTVGo tự tin cạnh tranh với các nền tảng xuyên biên giới?

Ở nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, có 2 ứng dụng thường xuyên được người dân mở xem trên ti vi thông minh, đó là YouTube và VTVGo.

Được nhiều người lựa chọn bên cạnh các nền tảng số “ngoại”

Mới đây, Nền tảng Truyền hình số quốc gia VTVGo được công bố ra mắt, khá nhiều người đặt câu hỏi: Liệu nền tảng “nội” này có thể cạnh tranh được với các nền tảng xuyên biên giới?

Khi phóng viên VietNamNet đề cập câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của công chúng, ông Nguyễn Minh Dũng, đại diện nhóm vận hành ứng dụng VTVGo, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) khẳng định: Đúng là Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đang hướng tới mục tiêu đưa VTVGo đạt vị thế đối trọng của các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook về uy tín và tầm ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Minh Dũng, đại diện nhóm vận hành ứng dụng VTVGo.

Theo ông Dũng, câu chuyện cạnh tranh tầm ảnh hưởng với các đối thủ quốc tế đã được VTV đặt ra từ 9 năm trước chứ không phải mới phát sinh.

Quay lại thời gian cách đây gần một thập kỷ, VTV quyết định phát triển ứng dụng VTVGo với mục tiêu sẽ phân phối toàn bộ nội dung của VTV trên nền tảng số để công chúng tiện theo dõi, và VTV dễ dàng đưa đa dạng nội dung phục vụ nhu cầu giải trí, thiết yếu của người Việt không chỉ ở trong nước mà ra cả nước ngoài. VTV Digital là đơn vị nhận trọng trách này.

Trước thời điểm VTVGo ra đời, VTV đã vận hành kênh VTV4, chuyển tải nội dung ra nước ngoài qua đường vệ tinh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại. Nhưng do đặc thù của giải pháp truyền dẫn, kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Từ khi VTVGo ra đời, vì đây là ứng dụng trên Internet, ai cũng có thể cài đặt được trên bất kỳ thiết bị nào có kết nối Internet, nên nội dung của VTV ra nước ngoài được nhanh hơn, với chi phí giảm đi đáng kể. Với VTVGo, không chỉ kênh VTV4 mà tất cả các kênh khác của VTV có thể được xem ở bất cứ đâu trên toàn thế giới.

Nhiều năm liền sau đó, việc vận hành nền tảng truyền tải nội dung kênh truyền hình, có cả những chương trình theo yêu cầu, đã được các bộ phận vận hành kỹ thuật và nội dung của VTVGo triển khai với tinh thần không cần biết 23 giờ đêm hay tờ mờ sáng, cứ có trục trặc như nội dung lên chưa đúng hay vì một lỗi nhỏ nào đấy mà chương trình không xem được thì đều sẵn sàng xử lý nhanh nhất có thể.

VTVGo là ứng dụng miễn phí, người dùng thậm chí không cần phải đăng nhập thông tin để sử dụng. Chính vì sự tiện lợi này, VTVGo đã được nhiều người lựa chọn sử dụng bên cạnh các nền tảng nước ngoài.

“Có một thông tin khá thú vị mà nhóm phát triển VTVGo quan sát được, đó là ở nhiều vùng sâu, vùng xa, người dân đã có ti vi thông minh hay tivi box hệ điều hành Android, thì có hai ứng dụng thường xuyên được mọi người mở ra xem: một là YouTube, và hai là VTVGo. Dù YouTube đa dạng nội dung, nhưng không ít nội dung khó xác định thực hư, thậm chí không phù hợp, vì thế, nhiều người vẫn muốn cài cả VTVGo để xem những chương trình thời sự, phim và nhiều chương trình khác do VTV sản xuất, với nội dung chính thống, được kiểm duyệt và thẩm định kỹ càng”, ông Dũng kể.

Thống kê mới đây cho thấy, VTVGo đã có 45 triệu lượt tải tích lũy từ khi ra đời tới hết quý 2/2023. Con số này tính cả lượt cài trên các thiết bị không còn được sử dụng nữa. Nhiều người thay đổi thiết bị điện tử và khi có thiết bị mới, họ lại cài đặt VTVGo để xem những nội dung mình yêu thích hoặc mình cần.

Thẳng thắn nhìn nhận rằng việc thống kê khó đạt độ chính xác hoàn toàn, ông Dũng chia sẻ thêm thông tin: “Thống kê của VTV Digital cho thấy, trong tổng số 8 triệu người dùng thường xuyên hiện tại của VTVGo trên tất cả các nền tảng thì có 1 triệu người ở nước ngoài và 7 triệu người ở Việt Nam. Con số chưa thực sự lớn. Nhưng so với tổng số 5 triệu kiều bào người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì con số 1 triệu này cũng đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, Nền tảng số truyền hình quốc gia VTVGo sẽ có đủ kênh sóng của tất cả 63 đài truyền hình địa phương, 7 đài truyền hình thiết yếu, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin liên quan tới các vùng, miền là quê hương của kiều bào, thì chắc chắn số lượng người thường xuyên xem VTVGo ở nước ngoài sẽ tăng lên. Với sự hỗ trợ của Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, VTVGo sẽ còn được phát triển nhiều tính năng, nội dung đặc biệt, độc quyền để phục vụ tốt hơn nhu cầu của công chúng, nhất là kiều bào ở nước ngoài”.

VTVGo đang hướng tới mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục vụ 15 triệu người dùng thường xuyên, số người dùng thường xuyên ở nước ngoài sẽ hướng đến mốc 2 triệu người.

“Vũ khí” cạnh tranh của VTVGo

Tại Việt Nam, những nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook đã có hơn 60 triệu người dùng thường xuyên. Những nền tảng này có sự hậu thuẫn của công ty công nghệ toàn cầu nên lợi thế rất lớn về hệ thống nền tảng, kỹ thuật, hạ tầng. Trong khi VTV Go chỉ là một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ một cơ quan báo chí nhà nước với khá nhiều hạn chế liên quan tới đầu tư công nghệ và nhân lực.

Song để nhiều người lựa chọn cài đặt VTVGo bên cạnh các nền tảng xuyên biên giới, không thể có chuyện “tay không bắt giặc”, mà nền tảng OTT TV “nội” này cũng phải trang bị cho mình một số lợi thế riêng.

Trước hết là về nội dung. VTVGo sở hữu lượng lớn nội dung chương trình phát sóng của VTV, bình quân mỗi năm có tới hơn 500 tập phim được sản xuất, chưa kể các chương trình tin tức, chính luận, phim tài liệu… Nội dung thông tin đều có kiểm chứng, đảm bảo sự phù hợp, chính xác, an toàn cho khán giả. Lượng nội dung gốc này thuộc diện “của nhà trồng được” nên VTVGo có thể đăng tải, phát hành sớm hơn các nền tảng số khác.

Nhằm tạo thêm “món ăn hấp dẫn” cho những “bữa tiệc” nội dung, việc mua bản quyền truyền hình đã được thực hiện nhiều năm gần đây. Những chương trình được VTV mua bản quyền không chỉ phát trên các kênh sóng truyền hình cáp, vệ tinh, mà cả trên các nền tảng số như VTVGo.

VTV thường mua bản quyền những sự kiện thể thao lớn như World Cup, Olympic…, còn những sự kiện thường xuyên theo mùa giải thì không đầu tư, để dành "đất" cho các đơn vị truyền hình trả tiền thu phí người xem.

Một ưu điểm khác của VTVGo là tính năng hỗ trợ người dùng xem lại những chương trình của VTV trong khoảng thời gian 3 tháng, thậm chí có thể kéo dài hơn. Nhóm phát triển của VTVGo vẫn đang tiếp tục tối ưu hơn nữa tính năng này, giúp mọi người có thể tìm và xem lại chương trình với trải nghiệm tốt hơn.

"Về công nghệ, bây giờ giữa Việt Nam với thế giới không còn khoảng cách. VTVGo cũng đang khai thác, phát huy hiệu quả kha khá công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Có thể kể tới tính năng gợi ý nội dung cho khán giả, được phát triển dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (big data). VTVGo đã tính toán kỹ việc triển khai tính năng này để người dùng không bị tùy tiện thu thập dữ liệu cá nhân. Nền tảng truyền hình số quốc gia hướng tới mục tiêu đem lại trải nghiệm tốt nhất mà vẫn đảm bảo sự an toàn cho công chúng", ông Dũng nói.

Những “vũ khí” kể trên đã và đang giúp VTVGo thêm tự tin trước đối thủ cạnh tranh là các nền tảng xuyên biên giới.

Ông Phan Thanh Giản, chuyên gia OTT:

Để VTVGo có thể cạnh tranh được với các nền tảng xuyên biên giới, theo tôi, có 3 vấn đề cần lưu ý.

Một là về nội dung. VTVGo đã có thế mạnh về nội dung của Đài Truyền hình quốc gia, đặc biệt là các nội dung liên quan tới thời sự, phóng sự, các giải thể thao, phim truyện giờ vàng của VFC… Nên bổ sung thêm một số nội dung khác như phim Việt chiếu rạp…

Hai là về công nghệ. Cách đây vài ba năm thì công nghệ cũng là một vấn đề, nhưng bây giờ không còn là vấn đề nữa. Cùng với chi phí đầu tư, VTV sẽ phải tập trung thêm đội làm công nghệ, không phải về công nghệ lõi mà chỉ là những công nghệ liên quan tới trải nghiệm người dùng thôi, ví dụ như làm sao để quản lý trẻ em, hoặc là trang bị các tính năng liên quan tới đường truyền, thiết bị (hệ thống của Netflix có thể kiểm tra được máy của người dùng là máy gì, đường truyền thế nào để đưa profile phù hợp nhất, vì thế, người dùng không bị những trải nghiệm khó chịu như giật lắc vì nghẽn mạng).

Và ba là về marketing. VTV đã có gần chục năm hoạt động, đội ngũ đã có nhiều kinh nghiệm marketing, lại là cơ quan nhà nước nên cũng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa về marketing online dựa trên những nội dung đặc sắc.

Cục Phát thanh – Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông:

Nền tảng Truyền hình số quốc gia VTVGo đã có 38 kênh truyền hình truyền hình thiết yếu của cả trung ương và địa phương; đáp ứng nhiều nhu cầu của người dân về nội dung và xu thế công nghệ; phát huy vai trò của cơ quan báo chí chủ lực, góp phần quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Trong thời gian tới, Nền tảng Truyền hình số quốc gia VTVGo sẽ tiếp tục được đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ, tối ưu tính năng cá nhân hóa về trải nghiệm người dùng…

Cùng với sự thúc đẩy của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự đồng hành của các đài phát thanh – truyền hình địa phương, các đơn vị sản xuất nội dung lớn trên cả nước, Nền tảng Truyền hình số quốc gia VTVGo sẽ ngày càng lớn mạnh và phục vụ tốt hơn các nhu cầu thông tin, giải trí thiết yếu của người dân Việt Nam, từng bước cạnh tranh với các nền tảng số quốc tế.

(Bài 2: Không liên minh, khó “đấu” lại các đối thủ truyền hình OTT quốc tế)

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vu-khi-nao-giup-vtvgo-tu-tin-canh-tranh-voi-cac-nen-tang-xuyen-bien-gioi-2172382.html