Tiến độ thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi

Qua thông tin báo cáo của một số địa phương cũng như quá trình theo dõi của các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương, tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi ngoại trừ Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4…

Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.

Quy hoạch điện 8 đưa ra mục tiêu chuyển đổi 18 GW điện than vào năm 2030 được thay thế bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, vừa có cuộc họp với các địa phương về tình hình triển khai các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước và khí tự nhiên hóa lỏng LNG.

Theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án Nhà máy nhiệt điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW, gồm 23 dự án. Trong đó, Nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước có 10 dự án, Nhà máy nhiệt điện khí LNG có 13 dự án.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết sau cuộc họp ngày 12/4, Bộ Công Thương đã có thông báo Kết luận cuộc họp số 94/TB-BCT. Tuy nhiên, qua thông tin báo cáo của một số địa phương, tình hình thực hiện các dự án điện khí chưa có nhiều thay đổi.

Tại tỉnh Bình Thuận, có 2 dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG là Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ I và Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II với tổng công suất là 4.500MW.

Cụ thể, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I, có tổng công suất 2.250 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương giao cho Tổ hợp 04 đơn vị (Công ty Electricite de France SA - Pháp, Công ty Kyushu Electric Power Co. Inc - Nhật, Sojizt Corporation - Nhật, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương - Việt Nam) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD.

Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II, có tổng công suất 2.250 MW được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao cho Tập đoàn AES của Hoa Kỳ làm Chủ đầu tư năm 2019. Dự án này được Bộ Công Thương phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2022, với tổng vốn đầu tư khoảng 2,1 tỷ USD. Dự kiến các dự án này sẽ chính thức vận hành năm 2027 - 2029.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ I; phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án kho Cảng Sơn Mỹ.

Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ II, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; cơ chế đảm bảo đầu tư.

Đồng thời, sớm giao đường dây truyền tải điện 500kV/220kV đấu nối từ Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện Quốc gia cho Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia - Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm Chủ đầu tư.

Tại Ninh Thuận, hiện có các dự án điện khí chưa lựa chọn được nhà đầu tư, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, có 6 nhà thầu liên danh quan tâm dự án đang gửi hồ sơ đấu thầu. Dự kiến đầu tháng 6/2024 tỉnh sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu.

Tại Thanh Hóa có dự án LNG Nghi Sơn, công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG. Ngoài ra thêm dự án đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG.

Trước đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có dự án LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 với 1.500 MW. Đến nay dự án đã hoàn thành việc phê duyệt 5 thỏa thuận chuyên ngành và còn 13 thỏa thuận chuyên ngành chưa được cấp có thẩm quyền thỏa thuận...

Nguyên nhân đến từ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, phao tín hiệu, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 chưa phê duyệt. Ngoài ra các dự án gặp vướng mắc trong việc ký kết thỏa thuận phương án đấu nối...

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tính từ cuộc họp ngày 12/4, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 đã có tiến triển. Tổng công ty Tín Nghĩa không còn cản trở thi công phần kênh thải nước làm mát đoạn cắt qua đường.

Hiện, dự án đã hoàn thành công tác nhận điện ngược từ đường dây 220 kV vào SPP 220 kV Nhà máy điện NT3. Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai đã tích cực chỉ đạo để giải quyết các tồn tại còn lại trong công tác thuê đất.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, các tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư (Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận) phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư phải gấp rút triển khai trình phê duyệt Báo cáo tiền khả thi (FS) và triển khai các bước tiếp theo đảm bảo trước năm 2029 các dự án điện khí tại 3 tỉnh, thành phố này được phát điện thương mại.

Đối với các tỉnh, thành phố đã lựa chọn được nhà đầu tư có các dự án đang triển khai xây dựng (bao gồm cả Đồng Nai và TPHCM), ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị UBND các tỉnh, khẩn trương đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân... chủ động giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền.

Song Hoàng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tien-do-thuc-hien-cac-du-an-dien-khi-chua-co-nhieu-thay-doi.htm