SỬA ĐỔI LUẬT DI SẢN VĂN HÓA: XEM XÉT, CÂN NHẮC VIỆC PHÂN LOẠI, TÁCH DI SẢN TƯ LIỆU THÀNH NỘI DUNG ĐỨNG ĐỘC LẬP

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7 tới đây (5/2024). Quan tâm tới dự luật, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc đưa nội dung về di sản tư liệu vào Luật sửa đổi là cần thiết, nhằm khắc phục những bất cập khi loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật nhưng cần xem xét, cân nhắc việc phân loại, tách Di sản tư liệu thành một nội dung đứng độc lập trong dự thảo Luật.

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thiết kế gồm 09 chương 102 điều, tăng 02 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều); tập trung vào 03 nội dung chính, bao gồm: (1) Hoàn thiện các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục kiểm kê, nhận diện, ghi danh, biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và hoạt động bảo tàng; (2) Nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các cơ quan trực tiếp quản lý di sản, tăng cường nội dung, trách nhiệm, cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa từ Trung ương đến địa phương. (3) Tăng cường nội dung, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa và thu hút, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bổ sung quy định về Di sản tư liệu

Trong đó, tại chương IV của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định về "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu" (từ điều 50 đến điều 60) đã đưa di sản tư liệu vào Luật. Theo đó, chương IV bao gồm các nội dung: Phân loại và tiêu chí nhận diện di sản tư liệu; Kiểm kê, Ghi danh di sản tư liệu; Thẩm quyền, thủ tục ghi danh và hủy bỏ ghi danh di sản tư liệu; Bảo quản di sản tư liệu, Phục chế di sản tư liệu, ...

TS.Vũ Thị Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia

Theo TS.Vũ Thị Minh Hương, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho biết, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới suốt 18 năm (từ 2006–2024) và sở hữu 9 Di sản tư liệu của UNESCO trong đó các chủ sở hữu ở cả khu vực công và khu vực tư nhân, vừa là các cơ quan, đơn vị của Nhà nước, vừa là các gia đình, dòng họ,...nhưng đến nay chưa có khung pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tư liệu, đặc biệt là quy định về quản lý nhà nước về Di sản tư liệu. Do đó, việc bổ sung nội dung Di sản tư liệu vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này sẽ lấp đầy những khoảng trống khi loại hình di sản này chưa được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Đặc biệt, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã dành một Chương cho Di sản tư liệu là một bước tiến trong việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản tư liệu nói riêng, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, một quốc gia với truyền thống hiếu học,… đầy tiềm năng về Di sản tư liệu - một loại hình di sản còn chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó, còn thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong vai trò là thành viên tích cực đối với các hoạt động của UNESCO, được các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đánh giá rất cao.

Bên cạnh đó, TS.Vũ Thị Minh Hương cũng lưu ý, cần rà soát, tránh chồng chéo với nội dung giao thoa với Luật Lưu trữ. Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, việc hoàn thiện các văn bản dưới Luật phải đảm bảo yêu cầu hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân - các chủ sở hữu và đối tượng áp dụng các quy định của pháp luật về Di sản tư liệu thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước về Di sản tư liệu đã được Chính phủ giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,…

Cân nhắc việc tách Di sản tư liệu thành 1 chương độc lập?

Tán thành việc bổ sung quy định về nội dung Di sản tư liệu, tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cho rằng, Chương IV Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu nên được ghép vào hai chương về Di sản văn hóa vật thể và Di sản văn hóa phi vật thể vì chắc chắn di sản tư liệu sẽ thuộc vào hai lĩnh vực này, không nên để một chương riêng như dự thảo.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, hầu hết các điều khoản ở chương này như kiểm kê di sản, ghi danh di sản, thủ tục ghi danh và hủy bỏ ghi danh,… đều chia sẻ với hai loại hình di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể ở các chương trên. Thêm nữa, theo logic thông thường, nên sắp xếp chương III lên chương II vì Di sản văn hóa vật thể thường được trình bày trước Di sản văn hóa phi vật thể.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa

Ở góc độ khác, TS.Trần Đức Nguyên, Khoa Di sản văn hóa – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu quan điểm, cân nhắc việc phân loại, tách Di sản tư liệu thành một nội dung đứng độc lập trong Luật. Lý giải cho kiến nghị này, TS. Trần Đức Nguyên cho biết, thực chất, di sản tư liệu chính là các di sản văn hóa vật thể (thuộc nhóm: di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia). Di sản tư liệu hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại 2 địa điểm: một là, tại các bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ… với tư cách là các hiện vật bảo tàng, tài liệu quý hiếm; hai là, đang lưu giữ tại các di tích như thần tích, sắc phong, hoàng phi, câu đối, bia ký, mộc bản ván in,… là các di vật, cổ vật, bảo vật tại các di tích đó.

Như vậy, ở mỗi trường hợp, các di sản tư liệu lại chịu các quy trình về kiểm kê, bảo quản, khai thác sử dụng…. theo những quy định riêng (quy định kiểm kê hiện vật bảo tàng, quy định kiểm kê di vật cổ vật tại di tích). Bổ sung thêm các quy định, quy trình theo yêu cầu của riêng di sản tư liệu nữa thì sẽ khá chồng chéo, phức tạp. Do vậy, dự thảo Luật cần xem xét việc tách di sản tư liệu đứng độc lập – gần như một thành tố ngang hàng với di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể là chưa hợp lý.

Từ lập luận trên, TS.Trần Đức Nguyên đề xuất, có thể lồng ghép vào trong nội dung của Chương III – Bảo vệ di sản văn hóa vật thể, như vậy sẽ thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với nhóm di sản văn hóa này../.

Lan Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=86197