Phát triển nguồn nhân lực và việc làm thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thực hiện Quyết định số 882 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 với nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ, hoạt động cụ thể sát với điều kiện của địa phương. Đồng thời, tỉnh lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm thông qua các chỉ tiêu về môi trường như: tỷ lệ hộ dân thành thị sử dụng nước sạch; hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch; chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý; chất thải nguy hại được xử lý... Qua đó, góp phần từng bước thay đổi hành vi của cộng đồng và sử dụng tài nguyên theo lối sống xanh, bền vững.

Cơ sở sản xuất thực phẩm chay Bình Loan (xã Hòa An, TP Cao Lãnh) sản xuất theo hướng an toàn gắn với tiêu dùng bền vững

Cơ sở sản xuất thực phẩm chay Bình Loan (xã Hòa An, TP Cao Lãnh) sản xuất theo hướng an toàn gắn với tiêu dùng bền vững

Đặc biệt, UBND tỉnh quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thuộc ngành nông nghiệp và phát triển đội ngũ giảng viên nguồn (TOT) về phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và chuyển giao cho người sản xuất các quy trình, kỹ thuật liên quan tới lĩnh vực tăng trưởng xanh. Ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở giáo dục đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp theo 9 tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 691 ngày 27/6/2016 của Sở GD-ĐT về việc ban hành Tiêu chuẩn công nhận trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp. Tính đến tháng 12/2023, toàn tỉnh có 83,82% cơ sở giáo dục Mầm non; 72,80% cơ sở giáo dục Tiểu học; 78,20% cơ sở giáo dục THCS và 100% cơ sở giáo dục THPT được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp. Song song đó, triển khai xây dựng cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 12/2023, tỷ lệ cơ sở giáo dục trên địa bàn đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức tối thiểu trở lên đối với ngành học mầm non là 68,96%; cấp Tiểu học 63,55%; cấp THCS 64,66% và cấp THPT 73,81%.

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, phục vụ các ngành, lĩnh vực, đề án trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt là các ngành, lĩnh vực, dự án thuộc nhóm chủ đề tăng trưởng xanh: nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp, năng lượng... Theo đó, doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 2.292 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh kịp thời triển khai các giải pháp chuyển đổi số cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng tuyên truyền các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, thanh toán điện tử, hướng đến mục tiêu phát triển tài chính xanh, tín dụng xanh.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn. Trong đó, tăng cường tuyên truyền sử dụng các sản phẩm khác thay thế các sản phẩm nhựa và túi nilon. Hiện nay, khoảng 90% các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trong tỉnh sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế dần cho sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy. Thực hiện mô hình “Chợ nói không với túi nilon”, các ngành liên quan đã in 7.000 tờ rơi, 3 tấn túi nilon tự hủy sinh học thân thiện môi trường, nhằm thực hiện tuyên truyền sử dụng các sản phẩm khác thay thế các sản phẩm nhựa và túi nilon cho các hộ tiểu thương tại chợ. Hay, xây dựng các mô hình về thực hiện báo cáo đánh giá sản xuất sạch hơn và sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành khô cá và chế biến nông sản sấy trên địa bàn...

Nhìn chung, người sản xuất ngày càng quan tâm hơn về quy trình sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn và định hướng chuyển đổi sản xuất hữu cơ; ngăn ngừa, hạn chế rủi ro từ các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn của sản phẩm, môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đồng thời từng bước thực hiện ghi chép sổ tay sản xuất, xác lập mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc cũng như xây dựng và phát triển bền vững chuỗi ngành hàng nông sản tỉnh Đồng Tháp.

Trong năm 2023, tỉnh tiếp nhận 17 khoản viện trợ dự án và phi dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ với tổng giá trị cam kết ước tính khoảng 2,3 triệu USD. Trong đó, có các chương trình, dự án tiêu biểu về lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu liên quan đến tăng trưởng xanh như: Dự án “Tăng cường dịch vụ điều tiết và khả năng bồi hoàn nước của Vườn Quốc gia Tràm Chim và vùng đệm” giai đoạn 2; “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em thiệt thòi ở Việt Nam” giai đoạn 2; “Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp” giai đoạn 3; “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

NGỌC TÂM

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-nguon-nhan-luc-va-viec-lam-thuc-day-tang-truong-xanh-119516.aspx