Pháp mua 65.000 tấn LNG của Trung Quốc, trả bằng Nhân dân tệ; Nga tăng cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh

Tập đoàn CNOOC của Trung Quốc và tập đoàn dầu khí TotalEnergies của Pháp mới đây đã hoàn tất thỏa thuận mua 65.000 tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Nga đang tăng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

Đáng chú ý, đây là giao dịch khí đốt đầu tiên được thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ.

Được biết, khí đốt sẽ được chuyển từ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đến Trung Quốc. Đây là một động thái mới của Trung Quốc nhằm mở rộng việc sử dụng Nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ của thế giới, khi nước này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào USD.

Trước đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu thực hiện các giao dịch dầu khí bằng đồng Nhân dân tệ, song đây là thỏa thuận đầu tiên về việc cung cấp LNG thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, đây có thể là bước đầu tiên hướng tới việc thay đổi hệ thống tài chính toàn cầu, hiện do đồng USD thống trị.

Đồng thời, nhiều quốc gia đã bắt đầu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch kinh tế của họ và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai.

* Ngày 29/3, ông Viktor Zubkov, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết, tập đoàn đang đàm phán với Trung Quốc về dự án cung cấp khí đốt tiềm năng qua nước láng giềng Mông Cổ.

Chia sẻ tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom cho hay: “Nga đang tăng cung cấp khí đốt cho Trung Quốc. Việc cung cấp khí đốt qua đường ống Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) sẽ sớm đạt khối lượng hàng năm theo hợp đồng là 38 tỷ m³".

Gazprom đang đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc về một dự án cung cấp khí đốt qua Mông Cổ được thiết kế để vận chuyển 50 tỷ m³ khí đốt.

Ông Viktor Zubkov tuyên bố: “Nga sẵn sàng hợp tác với các nước châu Á khác trong cung cấp năng lượng sạch".

Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga, chủ yếu là dầu mỏ và khí đốt, đã tăng 31,3% so với năm trước lên 18,6 tỷ USD. Điều đó giúp Nga bù đắp doanh thu bị mất sau khi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chặn hoặc hạn chế nhập khẩu.

(theo AP, Oil Price)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phap-mua-65000-tan-lng-cua-trung-quoc-tra-bang-nhan-dan-te-nga-tang-cung-cap-khi-dot-cho-bac-kinh-221631.html