Nhiều doanh nghiệp bất động sản 'hồi sinh'

Trong 4 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã quay trở lại. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành đều cho rằng thị trường bất động sản đã bước vào giai đoạn 'trưởng thành', có 'độ chín' nhất định, người mua nhà đã quay trở. Như vậy, thị trường đã khởi sắc tuy nhiên tốc độ không nhanh như kỳ vọng.

CEO doanh nghiệp bất động sản dự đoán thị trường sẽ phục hồi nhưng tốc độ có thể không nhanh như kỳ vọng. Ảnh: VGP

Hơn 1.300 doanh nghiệp bất động sản đã quay lại thị trường

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản quay trở lại hoạt động 1.302 doanh nghiệp, bằng 122,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có 1.376 doanh nghiệp bất động sản đăng ký thành lập mới, bằng 98,7% so với cùng kỳ 2023. Số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 2.766 doanh nghiệp, bằng 130,7%. Về số lượng doanh nghiệp hoàn tất giải thể là 410 doanh nghiệp, bằng 89,9% so với cùng kỳ.

Việc số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và đặc biệt là doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh cho thấy thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực.

Một tín hiệu tích cực khác của thị trường bất động sản là theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 1,6 tỷ USD. Con số này gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Điều này cho thấy niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài dành cho lĩnh vực bất động sản vẫn tích cực, bất chấp thị trường còn đang đối diện không ít khó khăn.

Đến nay, nhờ tác động từ loạt chính sách tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản của Chính phủ cùng các bộ ngành, đã giúp nhiều doanh nghiệp địa ốc “hồi sinh” trở lại. Điều này đã phần nào phản ánh rõ nét tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường trong những tháng đầu năm 2024.

Người mua đã quay lại thị trường

Tại đại hội đồng cổ đông năm 2024, nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Công ty Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã ck: NVL) cho biết, Luật Đất đai 2024 sẽ sớm có hiệu lực, các điều luật sẽ rõ ràng, các dự án bị vướng mắc pháp lý của Novaland sẽ được tháo gỡ, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc.

Chủ tịch NVL cũng nhận định, Luật Đất đai mới tuy có làm tăng chi phí phát triển dự án, giá thành các sản phẩm tăng nhưng sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, các nhà phát triển dự án phải chuyên nghiệp, có đầy đủ năng lực.

Trong khi đó, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vinhomes cho rằng, điểm sáng đối với thị trường địa ốc năm nay là ba luật liên quan đến bất động sản (gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ giúp thị trường minh bạch, rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, để các luật này ảnh hưởng tích cực tới thị trường, ông nói cần chờ các nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực.

Bà Nguyễn Thu Hằng - Tổng giám đốc Vinhomes cho rằng, nhu cầu nhà ở tại Việt Nam vẫn còn lớn khi tốc độ đô thị hóa cao cùng với dân số trẻ. Nhu cầu lập gia đình, an cư lạc nghiệp, sở hữu nhà của người trẻ hiện vẫn rất lớn. Từ đó, nguồn cung bất động sản sẽ phục hồi tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng nhưng vẫn có những hạn chế, đặc biệt là các sản phẩm có đủ điều kiện về pháp lý, vị trí đảm bảo.

Cũng theo bà Hằng, thị trường thời gian qua cho thấy tín hiệu tích cực hơn đối với việc tiếp cận nguồn vốn từ cả doanh nghiệp và khách hàng. Trái phiếu do doanh nghiệp này phát hành trong thời gian gần đây được hấp thụ tốt.

Khách hàng mua nhà hiện được hỗ trợ lãi suất tốt hơn so với trước, lãi suất cố định trong 2 năm đầu ở mức 6-6,5%/năm. Điều này tạo điều kiện và niềm tin cho người mua nhà quay trở lại thị trường.

Chia sẻ mới đây, ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh - Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Long (mã ck: NLG) nhận định, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn “trưởng thành” hơn, nghĩa là không phát triển ồ ạt nhưng lại có “độ chín” đòi hỏi rất cao sự chỉn chu trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ các chủ đầu tư để đáp ứng đúng nhu cầu thật của thị trường giúp cung - cầu cân đối.

Vẫn còn thách thức

Nhận định về thách thức, bà Nguyễn Thu Hằng - CEO Vinhomes dự đoán thị trường sẽ phục hồi nhưng tốc độ có thể không nhanh như kỳ vọng.

Theo bà Nguyễn Thu Hằng, nguồn cung nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng sẽ tăng, song vẫn còn hạn chế với các sản phẩm đủ pháp lý, vị trí đẹp.

Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã ck: KBC) Đặng Thành Tâm cũng cho rằng thị trường địa ốc năm sau mới phục hồi rõ ràng khi ông đánh giá những tín hiệu phục hồi hiện nay chưa bền vững.

"Hơi ấm có thể trở lại thị trường từ cuối năm nay và chắc chắn hơn từ năm sau", ông Tâm nói.

Về thách thức còn tồn tại năm nay, theo ông Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã ck: NLG), dù các công ty quy mô có thể khác nhau, các vấn đề phải giải quyết vẫn là xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và khách hàng thanh lý hợp đồng.

Chủ tịch Nam Long lý giải công ty chỉ bán và tập trung vào những gì thị trường cần để tránh đầu tư nhiều tiền những không tiêu thụ được, dẫn đến tồn kho cao.

Ông chủ Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã ck: PDR) cũng cho rằng sau những biến động vừa qua, nhu cầu, tiêu chuẩn với sản phẩm bất động sản tại Việt Nam đang thay đổi rất nhiều. Vì vậy, thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tập trung vào nhu cầu nhà ở của nhóm khách hàng trẻ tại các đô thị đang phát triển. Sau giai đoạn khó khăn, đến cuối năm ngoái, chủ đầu tư này cũng đã đưa được dư nợ trái phiếu về 0.

Dù vậy, không nhiều doanh nghiệp địa ốc có thể giải quyết sạch nợ trái phiếu như Phát Đạt. Nhiều ông lớn sẽ vẫn phải xoay xở dòng tiền để trả nợ khi mà đến cuối năm nay, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản vào khoảng 99.500 tỷ đồng.

Phương Thoa

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-hoi-sinh.html