Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành quan trọng

Ngân hàng Nhà nước đã tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO), lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua.

Theo thông tin về kết quả hoạt động thị trường mở (OMO) phiên 22/5, Ngân hàng Nhà nước đã thành công mua có kỳ hạn tín phiếu, theo đó đã cho 9 thành viên thị trường vay gần 25.000 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá với kỳ hạn 7 ngày.

Đáng chú ý, so với phiên liền trước, lãi suất cho vay đã tăng thêm 0,25 điểm %, từ 4,25%/năm lên 4,5%/năm.

Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất OMO. Trước đó, trong phiên ngày 23/4, nhà điều hành cũng đã tăng lãi suất cho vay cầm cố giấy tờ có giá từ 4% lên 4,25%/năm.

Việc tăng lãi suất OMO có thể là động thái giảm áp lực tỷ giá

Việc tăng lãi suất OMO có thể là động thái giảm áp lực tỷ giá

Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu theo hình thức bán hẳn, với kỳ hạn 28 ngày. Lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3,9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm.

Trong cơ cấu các lãi suất điều hành, lãi suất OMO là loại lãi suất có tác động mạnh tới thị trường bởi nó liên quan đến chi phí mà Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Động thái tăng lãi suất OMO được cho sẽ có tác động tới lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường này mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư. Thông qua đó nhà điều hành hạn chế hiện tượng đầu cơ USD, giảm sức ép lên tỷ giá.

Cùng với việc tăng lãi suất điều hành, để giảm áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng đang ở trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Việc này được thực hiện từ ngày 19/4.

Hiện nay, dù áp lực ngoại tệ đã giảm một chút so với khoảng 1 tháng trước đó, song tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn liên tục ở mức ngấp nghé trần.

Căng thẳng tỷ giá có thể tiếp tục kéo dài trong bối cảnh nhập khẩu nước ta tăng mạnh trong nửa đầu tháng 5. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 5/2024, cán cân thương mại hàng hóa đã thâm hụt 2,63 tỷ USD, chấm dứt tình trạng thặng dư liên tiếp kể từ đầu năm.

Việc nhập khẩu tăng mạnh là tín hiệu tốt với nền kinh tế, khi cho thấy các doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu trở lại để đáp ứng nhu cầu sản xuất đang dần phục hồi. Nhưng điều này lại gây áp lực lên tỷ giá khi dự trữ ngoại hối của chúng ta chỉ tương đương khoảng 3 tháng nhập khẩu.

Trong báo cáo mới công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) và Think Future cho biết, có ba bước để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tỷ giá.

Bước 1 là hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng. Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường. Và bước 3 là tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá.

“Mặc dù các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực để kiểm soát tỷ giá nhưng trong bối cảnh xuất siêu giảm, áp lực lên cung cầu ngoại tệ sẽ còn kéo dài. Các giải pháp vừa qua là hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá. Trong bối cảnh đó, tăng lãi suất điều hành sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát tỷ giá” báo cáo của VEPR và Think Future nhận định.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ngan-hang-nha-nuoc-tang-lai-suat-dieu-hanh-quan-trong-post577219.antd