Nghệ sĩ Thanh Long và giấc mơ đến với cải lương

Mang nét đẹp của cải lương tranh tài cùng những loại hình nghệ thuật khác, Thanh Long thực sự tỏa sáng với niềm đam mê và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Năm 2021, nghệ sĩ Thanh Long xuất sắc trở thành quán quân chương trình tìm kiếm tài năng “Người hùng của những ngôi sao” do Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức. Mang nét đẹp của cải lương tranh tài cùng những loại hình nghệ thuật khác, Thanh Long thực sự tỏa sáng với niềm đam mê và để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả.

Poster giới thiệu chương trình “Thanh Long - Nghề nối nghề” diễn ra ngày 2.4

Gian nan đường đến với đam mê

Nghệ sĩ Thanh Long tên thật là Đặng Hưởng Truyền, là một người con của quê hương Tây Ninh. Anh từng tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh và là học trò của nghệ sĩ Thanh Sơn (Đoàn cải lương Hậu duệ tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn).

Sinh ra trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, Thanh Long lại may mắn được trời phú cho một chất giọng ngọt ngào, tình cảm, rất hợp để ca những câu vọng cổ, cải lương.

Thanh Long chia sẻ, từ nhỏ anh đã có hoài bão trở thành một nghệ sĩ cải lương. Tình yêu cải lương cứ lớn dần theo năm tháng. Năm lớp 12, Long quyết định nộp hồ sơ thi vào Khoa Kịch hát dân tộc của Trường đại học Sân khấu Điện ảnh (TP. Hồ Chí Minh).

“Năm đó mình không thi vào Đại học Luật như đã nói với nhà. Điều này mình đã “thú tội” với ba mẹ trong chương trình “Lời chưa nói” trên kênh HTV7 Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh sau 8 năm giấu kín. Lúc có kết quả thi, thật ra, mình rất sợ ba mẹ không cho đi học.

Mọi người lo ngành mình học bấp bênh, không có thu nhập ổn định và nhất là định kiến “xướng ca vô loại” đối với người nghệ sĩ. Do đó, mình làm áp lực với gia đình, nếu không cho mình đi học Trường Sân khấu Điện ảnh, mình chỉ đi làm công nhân chứ không học tiếp. Vì thương con, cuối cùng ba mẹ để mình bước theo ánh đèn sân khấu”- nghệ sĩ Thanh Long nhớ lại.

Bằng tình yêu sâu đậm dành cho cải lương, Hưởng Truyền - nghệ sĩ Thanh Long dần xóa bỏ những định kiến, lo âu của người thân đối với sự nghiệp của anh. Gia đình dần nhận ra, Thanh Long chỉ hạnh phúc khi được sống trọn với đam mê.

Nghệ sĩ Thanh Long cùng nghệ sĩ ưu tú Tú Sương khi quay “Quan công điển tích”.

Từng bước khẳng định bản thân

Niềm đam mê, khát vọng đến với con đường nghệ thuật cải lương của Thanh Long trải qua nhiều trắc trở, nhất là khi cải lương rơi vào giai đoạn thoái trào. Sân khấu cải lương không còn ánh đèn. Mơ ước “học - ra trường - trở thành nghệ sĩ cải lương” trong Thanh Long nhanh chóng bị thực tế phũ phàng.

“Những năm 2012, rạp Hưng Đạo đang đập để xây dựng thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang hiện nay. Rạp hát Thủ Đô thì xuống cấp trầm trọng. Hai thủ phủ cải lương lúc đó đều không hoạt động. Năm 2014, tốt nghiệp ra trường nhưng không có đất diễn, mình trụ ở Sài Gòn một thời gian, kinh tế cạn kiệt nên quyết định bỏ nghề, về Tây Ninh”- Thanh Long nhớ lại chặng đường ban đầu đầy thử thách.

Về Tây Ninh, làm biên đạo múa vẫn có thể nuôi sống bản thân, nhưng, tình yêu đối với cải lương thôi thúc anh không được từ bỏ. Vậy là, lần nữa, Thanh Long khăn gói quay lại Sài Gòn, quyết tâm tìm mọi cách sống với nghề. Giữa muôn vàn khó khăn trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống đang dần mai một, nghệ sĩ Thanh Long từng bước bám trụ, mong muốn được cống hiến, được thăng hoa với nghề và hơn cả là để bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống cải lương.

Thanh Long nhớ lại: “Lúc đó, mình đã làm rất nhiều công việc khác nhau: biên kịch, biên đạo múa, đi hát chầu ở các đình, miễu, thậm chí hát “phá hoàng”, tức diễn tuồng ở các đám tang. Mình làm tất cả để có thể nuôi sống bản thân và dung dưỡng, nuôi lớn đam mê cải lương”.

Rồi chàng nghệ sĩ Thanh Long may mắn gặp được người thầy- nghệ sĩ Thanh Sơn, đưa về Đoàn cải lương Hậu duệ tuồng cổ Minh Tơ - Thanh Sơn. Ở đây, anh được các bậc đàn anh đàn chị đi trước dìu dắt, phát huy tài năng vốn có.

Chân dung nghệ sĩ Thanh Long .

Tận tụy với nghề qua nhiều vai trò khác nhau từ vị trí đạo diễn, biên đạo, dàn dựng, nghệ sĩ Thanh Long mang cải lương kết hợp với ca nhạc, vũ đạo và nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để phục vụ thị hiếu đa dạng của nhiều đối tượng khán giả. Không chỉ được khán giả yêu thích bởi khả năng nhập vai đa dạng, Thanh Long ghi dấu trong lòng công chúng qua những vở diễn, trích đoạn như: Tổng trấn Phàn Công Định, Quan Công điển tích, Khí tiết trượng phu, Ngọn lửa Thăng Long, Thanh Long Đoạn Nguyệt…

Tài năng và mang trong mình đam mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật cải lương, nghệ sĩ Thanh Long không ngừng lao động, miệt mài cống hiến, mang lại những tác phẩm giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ.

Sau bao thăng trầm trên con đường chinh phục niềm đam mê, đến nay, nghệ sĩ Thanh Long khẳng định được vị trí vững chắc của mình trong lòng những người yêu cải lương. Và chương trình “Thanh Long - Nghề nối nghề” sẽ ra mắt sắp tới đây là một bước nữa để Thanh Long tỏa sáng, khẳng định tài năng và tình yêu cải lương với công chúng.

Khán giả chụp ảnh lưu niệm cùng Thanh Long và thầy Thanh Sơn sau trích đoạn hát bội “Quan công xuất quân”.

“Chương trình diễn ra tại Nhà văn hóa Sinh viên (TP. Hồ Chí Minh) vào 19 giờ 30 ngày 2.4. Mình tin rằng chương trình sẽ phù hợp với nhiều bạn trẻ. Bởi, cải lương vốn là “Cải cách hát ca theo tiến bộ, Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Cuộc sống đến đâu, cải lương sẽ đi đến đó để phục vụ công chúng. Tuy nhiên, chương trình vẫn giữ cái cốt lõi của nghệ thuật sân khấu cải lương - sân khấu tuồng cổ”, nghệ sĩ Thanh Long chia sẻ.

Ngọc Diêu - Hòa Khang

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nghe-si-thanh-long-va-giac-mo-den-voi-cai-luong-a143496.html