Hào hùng Chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Trường Sơn-Chân trần chí thép'

Chương trình nghệ thuật thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn-Chân trần chí thép." (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Trường Sơn-Chân trần chí thép." (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Tối 19/5, tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn - nơi an nghỉ vĩnh hằng của 10.263 Anh hùng, Liệt sỹ Đoàn 559, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, tỉnh Quảng Trị và Binh đoàn 12 tổ chức Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn mang tên “Trường Sơn-Chân trần chí thép."

Tham dự Chương trình có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, Binh đoàn 12; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, cựu chiến binh, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh.

Trước khi diễn ra buổi lễ, các đại biểu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Đài Tưởng niệm và dành một phút mặc niệm tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hiến trọn tuổi thanh xuân, chiến đấu, ngã xuống trên mảnh đất này vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Tại Chương trình, các tiết mục hát múa, kết hợp với lời bình, hình ảnh tư liệu, giao lưu trực tiếp đã tái hiện những mốc son chói lọi lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ; tinh thần kiên cường, bất khuất, kiên trung của quân và dân ta trong suốt 16 năm liền đương đầu với cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt với bao hy sinh, mất mát của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn.

Chương trình thể hiện xuyên suốt tiến trình lịch sử hào hùng về sự ra đời đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, sự tiếp nối phát triển của đường Hồ Chí Minh hôm nay.

Chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: Nơi huyền thoại bắt đầu; Kì tích giữa rừng sâu; Viết tiếp bản hùng ca.

“Nơi huyền thoại bắt đầu” là câu chuyện về thời kì đầu, những bước chân vượt trên triền núi cao Trường Sơn đầu tiên.

65 năm trước, vào ngày 19/5/1959, Bác Hồ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn với đơn vị đầu tiên là Đoàn 559 (Binh đoàn Trường Sơn).

Đoàn 559 chọn khe Hó - nằm giữa một thung lũng huyện Vĩnh Linh là địa điểm xuất phát để tiến vào Trường Sơn “soi đường” lập trạm.

Sau một thời gian, ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua sông sâu, suối dữ, đèo cao và hệ thống đồn bốt, chốt chặn nghiêm ngặt của địch, hàng được bàn giao cho chiến trường Trị Thiên.

Với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược,” hình ảnh những đoàn người nối tiếp nhau “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” gùi thồ hàng hóa giữa rừng sâu đã viết nên những kì tích về những con người “chân đồng, vai sắt” gùi hàng, hay những chiến sĩ lái xe “gan vàng, dạ ngọc” dám xông vào hiểm nguy mở đường bằng máu cho Tổ quốc.

“Kỳ tích giữa rừng sâu” tái hiện sự thay đổi chiến lược trên chiến trường miền Nam, quân đội ta mở ra nhiều tuyến đường từ Đông sang Tây trên đất bạn Lào, Campuchia. Núi rừng Trường Sơn hùng vĩ với con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là mắt xích quan trọng, trọng yếu trong toàn bộ hệ thống chi viện chiến lược, của Mặt trận đoàn kết chiến đấu chống Mỹ cứu nước của ba nước Đông Dương.

Đường Trường Sơn dài 17.000km gồm: 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn; 1 tuyến đường “kín” dài 3.140km; hệ thống đường sông dài gần 500km.

Các chiến sỹ đã viết nên những huyền thoại và kỳ tích về đường ống xăng dầu, những đường kín, cầu di động…

Suốt 16 năm (từ năm 1959-1975), lớp lớp những người con của các dân tộc khắp mọi miền Tổ quốc đã sống và chiến đấu trên tuyến đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại với khát vọng thống nhất đất nước “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một."

Trong thời gian ấy, hơn 22.000 cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã ngã xuống; trên 30.000 người khác bị thương và hàng nghìn người nhiễm chất độc da cam và di chứng đến nay vẫn vô cùng nặng nề…

“Viết tiếp bản hùng ca” thể hiện ý nghĩa lịch sử đặc biệt của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm tháng trôi qua, mở đường Trường Sơn là quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng.

Nối tiếp truyền thống những thế hệ người lính Trường Sơn năm xưa đã hy sinh xương máu trên đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, những người lính Trường Sơn hôm nay đang ngày đêm xây dựng đất nước phát triển đi lên thông qua những công trình trọng điểm.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Trường Sơn-Chân trần chí thép” được tổ chức đã tái hiện lại những tháng ngày oanh liệt, hào hùng của toàn dân tộc 65 năm trước, qua đó, thể hiện sự tri ân sâu sắc và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông đi trước đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/hao-hung-chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-truong-son-chan-tran-chi-thep-post952281.vnp