Mỹ - Nhật - Hàn mở rộng hợp tác quốc phòng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh phản đối những hành vi làm gia tăng đối đầu và gây tổn hại đến an ninh chiến lược của các nước khác

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên lần đầu tiên tại bang Maryland - Mỹ ngày 18-8.

Theo Reuters, giới chức Mỹ cho biết các nhà lãnh đạo dự kiến công bố kế hoạch mở rộng hợp tác về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và phát triển công nghệ. Một thỏa thuận tiềm năng khác là thiết lập đường dây nóng 3 bên về xử lý khủng hoảng. Lãnh đạo 3 nước dự kiến còn nhất trí gặp nhau mỗi năm trong thời gian tới.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 15-8 nhận định hội nghị trên sẽ thiết lập cột mốc mới trong hợp tác 3 bên. Nhà lãnh đạo này cũng kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản để đối phó "mối đe dọa hạt nhân và tên lửa" của CHDCND Triều Tiên. Chẳng hạn, 3 nước cần chia sẻ dữ liệu về vũ khí hạt nhân và tên lửa Triều Tiên theo thời gian thực.

Vào tháng rồi, Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-18 mới nhất, đồng thời cho biết đây là lời cảnh báo đến Mỹ và các đối thủ khác. Vào năm ngoái, Bình Nhưỡng đã phóng thử khoảng 90 tên lửa, nhiều hơn gần 4 lần so với năm 2017.

Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại TP Hiroshima - Nhật Bản vào tháng 5-2023 Ảnh: REUTERS

Tờ South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia cho biết Trung Quốc sẽ "cảnh giác cao" trong lúc hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Hàn diễn ra.

Ông Lu Chao, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Mỹ và Đông Á thuộc Trường ĐH Liêu Ninh (Trung Quốc), nhận định hội nghị này có thể dẫn đến một liên minh quân sự 3 bên khiến Bắc Kinh lo lắng. "Cơ chế họp thường xuyên của các nguyên thủ quốc gia và cơ chế hợp tác cố định trên lĩnh vực quân sự chẳng khác gì sự thành lập thực tế một liên minh quân sự 3 bên" - ông Lu đánh giá.

Không gì lạ khi Bắc Kinh có phản ứng mạnh trước khi hội nghị diễn ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 15-8 cho biết Bắc Kinh phản đối những hành vi làm gia tăng đối đầu và gây tổn hại đến an ninh chiến lược của các nước khác.

Tuy nhiên, ông Liu Jiangyong, chuyên gia tại Trường ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), hoài nghi về chuyện so sánh giữa liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và NATO. Theo ông, 3 nước này hiện không có các cam kết an ninh như giữa các thành viên NATO.

Ngoài ra, Nhật Bản và Hàn Quốc hiện là các đối tác an ninh của Mỹ, không phải đồng minh. Mục tiêu chiến lược của 3 nước này cũng khác nhau. Dù vậy, ông Liu dự đoán các cuộc tập trận chung và hoạt động tham vấn 3 bên nhằm đối phó Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn.

Ông Kim Jae-chun, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Sogang (Hàn Quốc), cho rằng sự hợp tác công nghệ quân sự Mỹ - Nhật - Hàn sẽ tập trung chủ yếu vào Bình Nhưỡng, như tập trận để đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên.

Chuyên gia này cũng dự báo tuyên bố chung sau cuộc gặp 3 bên có thể không đề cập Trung Quốc là mối đe dọa. Dù vậy, ông cho rằng cuộc đối đầu Mỹ - Trung hiện đã trở thành sự cạnh tranh chiến lược bất kể mục đích của hội nghị thượng đỉnh 3 bên là gì.

"Xu hướng hiện nay cho thấy hợp tác Trung Quốc - Nga - Triều Tiên đang tăng cường ở Đông Bắc Á và mối quan hệ giữa Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản cũng đang được tăng cường để đáp trả… Dường như hai bên đang kiềm chế lẫn nhau" - chuyên gia này lập luận.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/my-nhat-han-mo-rong-hop-tac-quoc-phong-20230816230036483.htm