Kinh ngạc trước tiêm kích đánh chặn Tu-128 lớn hơn cả máy bay ném bom của Liên Xô

Tiêm kích đánh chặn Tu-128 Fiddler với kích thước to lớn của nó rất dễ bị nhầm lẫn là một chiếc máy bay ném bom.

Tiêm kích đánh chặn Tu-128 ra đời vào đầu thập niên 1950, khi Liên Xô tìm kiếm một phương tiện có thể bảo vệ không phận của họ trước các máy bay ném bom chiến lược mang vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Với đặc điểm lãnh thổ cực kỳ rộng lớn, Không quân Liên Xô cần một chiếc tiêm kích có tầm hoạt động xa, trang bị radar mạnh cùng với tên lửa không đối không uy lực.

Dự án nghiên cứu chế tạo tiêm kích đánh chặn Tu-128 chính thức khởi động từ năm 1958. Để tiết kiệm thời gian, các công trình sư đã tận dụng nguyên mẫu máy bay ném bom siêu âm Tu-98 không thành công trước đó.

Ban đầu chiếc chiến đấu cơ này được định danh là Tu-28, tuy nhiên đến năm 1963 được đổi lại thành Tu-128 - trùng với mã của Phòng thiết kế thử nghiệm.

Tiêm kích đánh chặn Tu-128 sở hữu thông số kỹ thuật rất ấn tượng với chiều dài 30,06 m; sải cánh 17,53 m; chiều cao 7,15 m; diện tích cánh 96,94 m2; trọng lượng rỗng 24.500 kg; trọng lượng có tải 40.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 43.700 kg.

Với những con số trên, Tu-128 chính là tiêm kích đánh chặn lớn nhất thế giới, nó thậm chí còn lớn hơn nhiều khi đặt cạnh máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 của Nga ngày nay.

"Trái tim" của máy bay là 2 động cơ phản lực Lyulka AL-7F-2 có lực đẩy 72,8 kN mỗi chiếc (lên tới 99,1 kN khi bật tăng lực), cho tốc độ tối đa 1.920 km/h khi không mang vũ khí hoặc 1.665 km/h khi trang bị đầy đủ.

Tầm hoạt động của Tu-128 đạt 2.565 km, trần bay 20.000 m, thời gian trực chiến trên không liên tục tới hơn 3 giờ, như vậy nó đã đáp ứng được tất cả đòi hỏi từ Không quân Liên Xô.

Tiêm kích Tu-128 cất cánh lần đầu vào năm 1961, chính thức năm 1964, phiên bản sản xuất hàng loạt Tu-128P trang bị radar Smerch hoạt động trên băng tần I (NATO gọi là Big Nose) có tầm trinh sát 50 km và khóa được mục tiêu cách xa 40 km.

Mặc dù năng lực của radar tương đối ấn tượng vào thời điểm đó nhưng Tu-128P vẫn phải phụ thuộc nhiều vào việc dẫn hướng từ mặt đất bởi các đài radar có tầm trinh sát lớn hơn nhiều.

Tu-128 có thiết kế đặc thù với chất tải cánh cao, hệ thống điện tử không phức tạp, tầm quan sát bị nhận xét là kém đi kèm với trọng lượng vũ khí thấp, rõ ràng nó không phải là một chiếc tiêm kích nhanh nhẹn.

Điều này cũng dễ hiểu khi đối tượng tác chiến của Tu-128 là máy bay ném bom chiến lược của đối phương, nó sẽ tránh giao chiến với tiêm kích địch và nhường nhiệm vụ đó lại cho một dòng chiến đấu cơ khác.

Vũ khí chủ lực của Tu-128 là tên lửa không đối không Bisnovat R-4 (AA-5 Ash), nó thường mang 2 đạn R-4R điều khiển radar bán chủ động và 2 đạn R-4T sử dụng đầu dò hồng ngoại.

Mặc dù R-4 là loại tên lửa không đối không có năng lực chiến đấu khá thấp, nhưng để chống lại máy bay ném bom cồng kềnh thì vũ khí nói trên vẫn ở mức tạm chấp nhận được.

Tính đến thời điểm đầu thập niên 1970, đã có tổng cộng 198 chiếc Tu-128 được chế tạo (bao gồm cả 10 chiếc phiên bản huấn luyện Tu-128UT).

Phần lớn số tiêm kích đánh chặn khổng lồ này hoạt động trong thập niên 1980 và một vài chiếc còn trong biên chế Không quân Nga tới tận năm 1992 trước khi bị thay thế hoàn toàn bởi MiG-31.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kinh-ngac-truoc-tiem-kich-danh-chan-tu-128-lon-hon-ca-may-bay-nem-bom-cua-lien-xo-post528776.antd