Doanh nghiệp khó tuyển lao động trình độ cao

Việt Nam có nhiều cơ hội trong hợp tác phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ năng lượng mới… Tuy nhiên, thị trường lao động đang đứng trước thách thức rất lớn do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng...

Lương 100 - 200 triệu đồng nhưng chưa có lao động trúng tuyển

Theo Nghị định 70/2023 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp chỉ có thể tuyển dụng lao động nước ngoài nếu không tuyển được lao động Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Để lao động Việt Nam có thể tiếp cận và ứng tuyển vào các vị trí công việc này, nghị định quy định từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sẽ đăng thông báo tuyển dụng các vị trí việc làm dự kiến có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài trên cổng thông tin của Bộ LĐ-TB&XH (Cục Việc làm) và cổng thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) thuộc UBND các tỉnh, thành phố.

Nhiều vị trí công việc đòi hỏi trình độ cao tại các doanh nghiệp do lao động nước ngoài nắm giữ.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm DVVL TPHCM (Sở LĐ-TB&XH TPHCM), từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 7.052 việc làm cho lao động chất lượng cao từ 3.377 doanh nghiệp. Đây đều là những vị trí tuyển dụng lao động chất lượng cao mà doanh nghiệp dự kiến cho lao động nước ngoài.

Hầu hết vị trí này là chức danh giám đốc, tổng giám đốc, trưởng phòng, chuyên gia kỹ thuật với lĩnh vực ngành nghề rất đa dạng, trong đó có những vị trí yêu cầu kinh nghiệm trên 10 năm.

Mức lương cho các vị trí này cũng rất đa dạng, từ 20 - 25 triệu đồng cho đến 100 - 200 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 276 lượt lao động Việt Nam tương tác ứng tuyển trên 7.052 vị trí và chưa có người trúng tuyển vào các vị trí lao động chất lượng cao này.

Theo nhận định của Trung tâm DVVL TPHCM, nguyên nhân là một phần người lao động (NLĐ) Việt Nam chất lượng cao chưa biết nhiều về thông tin này; đồng thời yêu cầu của nhà tuyển dụng cao, khắt khe, cộng gộp nhiều yếu tố dẫn đến NLĐ Việt Nam chưa tiếp cận được các vị trí việc làm.

Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố phía Bắc do Trung tâm DVVL Hà Nội vừa tổ chức cũng cho thấy, yêu cầu trình độ tuyển dụng đã có một số thay đổi. Những năm trước, doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động phổ thông không yêu cầu cao về trình độ tay nghề thì hiện nay, yêu cầu về trình độ đặt ra cao hơn. Tại phiên giao dịch, gần 80% vị trí tuyển dụng yêu cầu trình độ cao đẳng, đại học và công nhân kỹ thuật, trung cấp.

Ông Trần Bá Linh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghệ cao Điện Quang cho biết, trong những năm qua, đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu xu hướng về ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Để thực hiện điều đó, Điện Quang đã đầu tư máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất hiện đại, đủ năng lực sản xuất các sản phẩm điện tử có độ khó cao, sẵn sàng nhận gia công cho các đơn vị theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là nguồn nhân lực thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

“Nhân lực ngành chip tại Việt Nam vẫn nằm trong mức báo động đỏ dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong công tác kêu gọi, thu hút vốn đầu tư và các thiết bị chuyển giao khoa học, công nghệ. NLĐ sau khi được tuyển dụng phải trải qua khóa đào tạo lại kéo dài từ 6 đến 12 tháng mới có thể nắm bắt tiến độ công việc.

Điều này làm dấy lên mối lo ngại trong ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam dù được đầu tư nhiều nhưng vẫn dậm chân tại chỗ vì thiếu lao động”, ông Linh cho biết.

Với ngành điện tử, ông Phùng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Manutronic Việt Nam cho rằng, nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho doanh nghiệp. Theo xu hướng về chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn trên thế giới.

Để đáp ứng điều này, doanh nghiệp phải có nguồn lực nhất định để tiếp nhận khoa học, kỹ thuật, tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ mà các tập đoàn chuyển dịch sang Việt Nam. Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giá trị cốt lõi quyết định sự thành công, nắm bắt cơ hội.

Xu hướng tuyển dụng đã thay đổi

Xu hướng tuyển dụng được đề cập trong bản tin thị trường lao động quý IV/2023 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 70% song tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt từ 27 - 27,5%. Trong khi đó, nhu cầu về nhóm lao động trình độ cao luôn được doanh nghiệp săn đón, bất chấp sự sụt giảm lao động ở một số phân khúc trình độ khác.

Theo đó, yêu cầu tuyển dụng lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong quý IV/2023, với 53,7%; đồng thời, có sự cách biệt khá lớn so với các nhóm trình độ còn lại, như: Không yêu cầu chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm hơn 7% và yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp cũng chiếm chưa đến 40%.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực phía Bắc của công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search cho biết, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đang đẩy mạnh đầu tư về công nghệ mới, robot hóa, công nghiệp hóa và chuyển đổi số nên có nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo.

Nhiều nhà máy xây dựng ở Việt Nam không tuyển lao động phổ thông, chỉ tuyển công nhân kỹ thuật đã được đào tạo nghề hoặc có trình độ nghề cao đẳng, đại học để biết cách sử dụng máy móc.

Do đó, các doanh nghiệp khi đến Việt Nam, việc đầu tiên họ quan tâm là vấn đề lao động đã qua đào tạo chưa, chất lượng đào tạo thế nào để quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. "Nhằm nâng cao chất lượng lao động, ngoài chính sách ưu tiên của Nhà nước rất cần sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cả NLĐ.

Có như vậy, NLĐ sẽ dễ tiếp cận việc làm, doanh nghiệp có nhân lực chất lượng cao, Nhà nước sẽ ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư từ bên ngoài tốt hơn", bà Lan phân tích.

Trước những thay đổi về xu hướng tuyển dụng của thị trường lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL Hà Nội cho rằng, NLĐ cần nắm bắt xu hướng, yêu cầu tuyển dụng mới để có kế hoạch tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và tìm kiếm công việc phù hợp.

Hà Châu

Báo Lao động Xã hội số 56

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/doanh-nghiep-kho-tuyen-lao-dong-trinh-do-cao-20240509124837403.htm