Ngành thuế chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro để chống gian lận thuế

Cơ quan thuế đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ - phương thức quản lý thuế tiên tiến đang được nhiều nước áp dụng nhằm khuyến khích tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật.

Những khó khăn trong quản lý người nộp thuế

Theo Tổng cục Thuế, khi số lượng người nộp thuế tăng ngày càng nhanh - đặc biệt khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân, quy mô hoạt động của người nộp thuế ngày càng lớn, tính chất hoạt động ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về thuế… Cơ quan thuế không có đủ nguồn lực về nhân lực, vật lực, tài lực và kỹ thuật để quản lý tất cả người nộp thuế.

Vì vậy, việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của mình để tập trung quản lý nhóm người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất. Cơ quan thuế tiết kiệm thời gian, hiểu được hành vi tuân thủ của người nộp thuế; từ đó có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Bên cạnh đó, điều này đồng thời giúp cơ quan thuế phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật thuế trong quản lý thuế.

Do vậy, việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ là điều cần thiết đối với cơ quan thuế Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc triển khai áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi ngành thuế xây dựng được một hành lang pháp lý vững chắc, xây dựng được cơ sở dữ liệu đảm bảo tính chính xác đầy đủ và kịp thời; xây dựng được Bộ chỉ số tiêu chí đảm bảo nhận diện được các dấu hiệu rủi ro đầy đủ và được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phân tích dữ liệu lớn tự động.

Tổng cục Thuế đánh giá, quá trình triển khai thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế hiện nay còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Trước hết, số lượng người nộp thuế ngày càng tăng nhưng tổ chức bộ máy trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao chưa tương xứng. Ngoài ra, nguồn lực triển khai nhiệm vụ quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ còn hạn chế.

Kiện toàn bộ phận quản lý rủi ro về thuế

Theo Tổng cục Thuế, yếu tố cốt lõi trong quản lý tuân thủ dựa trên rủi ro chính là phân loại người nộp thuế, thực hiện các biện pháp quản lý thuế phù hợp. Từ đó nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế, hướng đến tuân thủ tự nguyện. Để làm được điều đó, cơ quan thuế phải hoàn thiện cơ chế áp dụng QLRRTT trong quản lý thuế thông qua việc thực hiện đồng bộ 9 giải pháp sau:

Một là, xây dựng và kiện toàn bộ phận quản lý rủi ro về thuế thuộc Tổng cục Thuế nhằm nâng cao thẩm quyền, địa vị pháp lý và năng lực, nguồn nhân lực để triển khai sâu, rộng, toàn diện, tập trung, có hiệu quả công tác quản lý rủi ro (với nhiệm vụ tham mưu xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý, tiêu chí, quy trình, quy định về quản lý rủi ro theo hướng tự động hóa); đáp ứng yêu cầu phát triển, hiện đại hóa ngành Thuế và nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.

Hai là, xây dựng Bộ chỉ số tiêu chí áp dụng quản lý rủi ro tuân thủ tổng thể trong quản lý thuế. Bộ chỉ số tiêu chí được thực hiện trên cơ sở đánh giá việc xây dựng, triển khai thực hiện các Bộ chỉ số tiêu chí trong những năm vừa qua.

Ba là, thực hiện phân đoạn người nộp thuế để có biện pháp quản lý phù hợp, từng bước nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nhóm đối tượng người nộp thuế khác nhau có những đặc điểm và hình thái tuân thủ riêng, đòi hỏi phải thiết kế các kế hoạch nâng cao tuân thủ tùy chỉnh cho từng nhóm. Tại Việt Nam, ngành thuế cũng đang phân đoạn người nộp thuế thành 2 nhóm (nhóm tổ chức, doanh nghiệp và nhóm cá nhân, hộ kinh doanh) để áp dụng quản lý rủi ro và xây dựng các kế hoạch nâng cao tuân thủ.

Bốn là, triển khai xây dựng “Hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu và phân tích rủi ro tổng thể” trên cơ sở nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích dữ liệu số lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, học máy vào phân tích rủi ro, quản lý tuân thủ người nộp thuế.

Năm là, nghiên cứu sửa đổi bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật quản lý thuế, pháp luật về QLRRTT của người nộp thuế nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của người nộp thuế. Cơ quan thuế căn cứ vào mức độ tuân thủ của người nộp thuế cơ quan thuế xác định mức độ ưu tiên người nộp thuế trong việc kê khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn; ưu tiên về hỗ trợ thuế; tuyên dương người nộp thuế… Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng đối với từng mức độ tuân thủ của người nộp thuế theo các cách phân đoạn người nộp thuế nêu trên.

Sáu là, hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử và thông tin chung về người nộp thuế phục vụ cho công tác phân tích rủi ro nói riêng và công tác quản lý thuế nói chung.

Bảy là, xây dựng chương trình hỗ trợ khuyến khích người nộp thuế tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế thông qua việc cơ quan thuế hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế (các hoạt động tư vấn; trả lời vướng mắc; cung cấp thông tin; cảnh báo rủi ro cho người nộp thuế; tổ chức hội nghị hội thảo tập huấn, đào tạo để NNT chủ động nâng cao tuân thủ pháp luật thuế). Qua đó tạo thuận lợi, giảm chi phí về thời gian, về tiền bạc cho người nộp thuế để ngành Thuế trở thành đối tác tin cậy của mọi tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật thuế.

Tám là, phân tích, đánh giá rủi ro, xây dựng kế hoạch và chuyên đề thanh tra, kiểm tra trọng điểm hàng năm để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm góp phần nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.

Chín là, thường xuyên đào tạo cán bộ thuế có đủ kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ người nộp thuế tốt nhất, xây dựng sự tin tưởng của người nộp thuế với cơ quan thuế, từ đó nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế.

Quốc Tuấn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nganh-thue-chu-trong-hoan-thien-co-che-quan-ly-rui-ro-de-chong-gian-lan-thue-2282443.html