Dệt may xuất khẩu sang Mỹ tăng trưởng ấn tượng, nhưng khó giữ 'phong độ'

Trong tháng 5, Việt Nam đã xuất 1,67 tỉ USD hàng dệt may sang Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 7,86 tỉ USD.

Kể từ đầu năm tới nay, ngành dệt may đối mặt với rất nhiều thách thức như: giá nguyên liệu của ngành sợi có xu hướng tăng cao, chi phí vận tải, giá xăng dầu leo thang,... ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Thế nhưng, ngành dệt may vẫn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng.

Theo báo cáo của Hiệp hội dệt may, trong tháng 5/2022, Việt Nam đã xuất 1,67 tỉ USD hàng dệt may sang thị trường Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 7,86 tỉ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong tháng 5, Việt Nam đã xuất 1,67 tỉ USD hàng dệt may sang Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 7,86 tỉ USD.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, từ đầu năm tới nay, mặc dù có khó khăn nhưng doanh nghiệp dệt may trong nước vẫn có điểm thuận để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách zero Covid-19 nên dệt may Việt Nam có thêm nhiều đơn hàng, bao gồm cả đơn hàng đi Mỹ khi đón nhận luồng chuyển dịch đầu tư của các nước từ Trung Quốc sang Việt Nam. Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cũng là động lực để các doanh nghiệp mở rộng và cơ cấu lại thị trường

Tuy nhiên, sự tăng trưởng xuất khẩu khả quan của dệt may Việt Nam sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm được dự báo khó duy trì trong 2 quý còn lại của năm 2022.

Bởi lẽ, nhu cầu nhập khẩu dệt may của Mỹ dự báo sẽ giảm 12 tỉ USD trong thời gian tới, tương ứng 7-10% tổng cầu dệt may của thị trường này.

Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt may, khi kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại, người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu tùy ý cho quần áo để ưu tiên các nhu cầu thiết yếu khác.

Đáng chú ý, ngay trong quý đầu tiên của năm 2022, quần áo chỉ chiếm 3,9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, giảm từ 4,3% vào năm 2019 trước đại dịch.

Thực tế, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ chuyển sang mua sắm đồ cũ để tiết kiệm chi tiêu. Thị trường đồ cũ của Mỹ dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2026, đạt 82 tỉ USD. Doanh số bán hàng may mặc đã qua sử dụng dự kiến sẽ tăng nhanh hơn 16 lần so với lĩnh vực quần áo bán lẻ ở Mỹ vào năm 2026.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/det-may-xuat-khau-sang-my-tang-truong-an-tuong-nhung-kho-giu-phong-do-post200942.html