Đánh bắt IUU gây thất thoát 11 - 26 triệu tấn cá/năm

Bảy năm sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tuyên bố ngày 5/6 là Ngày Quốc tế chống Đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), các nước và đối tác ở Ấn Độ Dương - Bình Dương tiếp tục dẫn đầu công cuộc này.

Ngư dân đánh bắt hải sản ở Vịnh Penobscot, tiểu bang Maine, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngư dân đánh bắt hải sản ở Vịnh Penobscot, tiểu bang Maine, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các nhà nghiên cứu, hoạt động đánh bắt cá IUU gây thiệt hại kinh tế hàng năm ước tính lên tới 50 tỷ USD trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), cứ 5 con cá đánh bắt trên thế giới thì có 1 con là đánh bắt IUU, gây thất thoát 11 - 26 triệu tấn cá/năm. Hoạt động này còn đe dọa đa dạng sinh học biển, khi 30% trữ lượng cá toàn cầu hiện đang bị đánh bắt vượt quá mức bền vững về mặt sinh học (theo số liệu của Liên hợp quốc), từ đó sẽ đe dọa sinh kế trong tương lai của ngư dân.

Là quốc gia dẫn đầu thế giới về thủy sản bền vững, Mỹ đã sớm tham gia vào các nỗ lực quốc tế chống khai thác IUU thông qua hệ thống pháp lý, các chương trình hoạt động, các biện pháp giảm thiểu hoạt động khai thác, hay kinh doanh sản phẩm khai thác IUU gây tổn hại đến môi trường biển và nguồn lợi thủy sản.

Đạo luật Magnuson-Stevens về Bảo tồn và Quản lý Ngư nghiệp (MSA), đạo luật chống khai thác IUU năm 2015, hay đạo luật bảo vệ động vật biển có vú, Chương trình kiểm soát thủy sản nhập khẩu… là những đạo luật nghiêm ngặt mà Mỹ sử dụng để chống đánh bắt IUU. Bên cạnh đó, Mỹ cũng hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác, cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nước đang phát triển để tăng cường quản lý nghề cá.

Tháng 10/2023, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã thành lập Trung tâm chuyên môn về IUU. Trung tâm này thu hút các đối tác quốc tế tham gia chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thúc đẩy sự phối hợp trong khu vực và tìm cách trang bị tốt hơn cho các quốc gia đối tác để chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp. Trung tâm cũng tìm cách nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, trao đổi thông tin, tăng khả năng tương tác và chia sẻ các phương pháp hay nhất.

LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng lớn của công cuộc chống IUU đối với việc bảo tồn và quản lý tài nguyên đại dương, cũng như an ninh lương thực và nền kinh tế của nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Công cuộc chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định còn góp phần chống nạn cưỡng bức lao động bởi hoạt động đánh bắt cá IUU thường dựa vào những người lao động dễ bị tổn thương và những nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn bị dụ dỗ lên tàu và bị mắc kẹt trong nhiều năm trong điều kiện bị lạm dụng, thiếu chăm sóc y tế và suy dinh dưỡng phổ biến. Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ước tính có khoảng 128.000 ngư dân trên toàn thế giới bị mắc kẹt trên các tàu lao động cưỡng bức.

Lan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/danh-bat-iuu-gay-that-thoat-11-26-trieu-tan-canam-20240605194753295.htm