Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về an toàn vệ sinh lao động
Việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong doanh nghiệp đạt hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của người sử dụng lao động, chủ doanh nghiệp mà đòi hỏi cả người lao động và cộng đồng xã hội cùng phối hợp thực hiện. Do vậy công tác truyền thông về ATVSLĐ là hết sức cần thiết. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp, đa dạng hóa hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho chủ sử dụng lao động và người lao động, tích cực cải thiện điều kiện lao động, bảo vệ sức khỏe người lao động.

Công ty TNHH T&C, Cụm công nghiệp Cổ Lễ (Trực Ninh) thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 150-KH/TU ngày 25/6/2024 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới. Hàng năm, UBND tỉnh đều kiện toàn Hội đồng ATVSLĐ tỉnh; ban hành Kế hoạch công tác ATVSLĐ và Kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động vì ATVSLĐ, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các huyện, thành phố, Ban quản lý các KCN tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp: nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn thực hiện công tác ATVSLĐ, trong đó đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ.
Cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp và người lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, ATVSLĐ; quản lý, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, các ngành chức năng, các địa phương và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức và cách làm phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ. Trong đó tập trung tuyên truyền về Luật ATVSLĐ, công tác ATVSLĐ, mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ; các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và cách khắc phục nhằm hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong công tác ATVSLĐ và hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ.
Với chủ đề Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 là “Tăng cường đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”, Sở LĐ-TB và XH đã tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ tới người sử dụng lao động, người lao động; xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tài liệu, sổ tay, tờ rơi, hướng dẫn về chủ đề, nội dung triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, điện thoại thông minh. Tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống các đài phát thanh, bản tin tại doanh nghiệp. Treo khẩu hiệu băng rôn, pano, áp phích tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp; tổ chức tọa đàm, đối thoại chính sách, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về vệ sinh lao động, ATLĐ.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, có hại đối với người lao động như đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ. Hướng dẫn, tư vấn cho đơn vị, doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc. Qua đó, đơn vị tự kiểm tra, rà soát, bổ sung, xây dựng các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ đối với các trang thiết bị máy móc có trong doanh nghiệp, nhất là các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm, rủi ro trong hoạt động sản xuất, kịp thời phát hiện sự cố, nguy cơ gây tai nạn lao động đồng thời xây dựng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố ngay tại các phân xưởng, tổ, đội sản xuất. Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân theo từng vị trí làm việc của người lao động. Lập sổ theo dõi việc cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo quy định. Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp; đo kiểm tra môi trường lao động tại nơi làm việc. Tiến hành kiểm định, khai báo các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, nhất là các loại máy móc, thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao như lò hơi, trạm biến áp… Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ LĐ-TB và XH. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở người lao động tuân thủ nghiêm các quy trình, nội quy, quy định về ATVSLĐ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải thực hiện đúng quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động, đồng thời đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nhằm phòng, chống tai nạn lao động tại nơi làm việc.
Cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý có nguy cơ, rủi ro cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, các đơn vị để xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các đơn vị có sử dụng nhiều thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, công tác ATVSLĐ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn tại 10 doanh nghiệp; Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh giám sát thực hiện pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội tại 15 doanh nghiệp; tập trung kiểm tra, đánh giá thực trạng thực hiện quy định của pháp luật đối với người sử dụng lao động, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, theo quy định tại Điều 13, Điều 14, Luật ATVSLĐ năm 2015. Kiểm tra, rà soát các nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; công tác quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Qua kiểm tra đã phát hiện, yêu cầu, hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, tổ chức thực hiện đúng nội quy, quy định, đảm bảo ATVSLĐ. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ; đặc biệt chú trọng đối với các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Rà soát các máy móc, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo danh mục quy định của Bộ LĐ-TB và XH đánh giá thực trạng tình hình và thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng, bảo quản máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, các ngành và sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các nguy cơ rủi ro, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng gắn kết người lao động với doanh nghiệp, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.