Cần đánh giá lại triển vọng của nhóm cổ phiếu thủy sản?

Từng được kỳ vọng là nhóm ngành sẽ có lợi nhuận hồi phục khả quan trong nửa cuối năm 2023, song kết quả đạt được trong quý III của nhóm ngành thủy sản đã mang lại nhiều thất vọng cho các nhà đầu tư.

Được hỗ trợ từ yếu tố tỷ giá khi tỷ giá USD/VND neo cao cũng như triển vọng về xuất khẩu những tháng cuối năm, cổ phiếu thủy sản đã được giới phân tích đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng.

Kỳ vọng trở thành thất vọng

VNDirect Research nhận định, mức giảm giá vừa phải của VND so với USD (ít hơn 3%) sẽ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cổ phiếu thủy sản được giới phân tích đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023.

Mặt khác, tình hình xuất khẩu cho thấy những tín hiệu tích cực hơn. Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm và cá tra là 2 mặt hàng ghi nhận sự hồi phục rõ rệt về kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, dù giá trị xuất khẩu tôm 9 tháng năm nay giảm 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kim ngạch tháng 9 đã tăng trưởng dương (tăng 0,7%). Trong khi đó, dù doanh số xuất khẩu cá tra 9 tháng năm nay giảm 30,7% nhưng riêng tháng 9 đã tăng 8,9%. Tính chung cả ngành thủy sản, xuất khẩu 9 tháng giảm 22% nhưng riêng tháng 9 chỉ giảm 0,1%, gần như không đáng kể.

Đồng thời, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhóm cổ phiếu thủy sản còn được kỳ vọng hơn nữa, bởi Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Theo đó, không ít nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào cổ phiếu thủy sản, một phần tin rằng kết quả kinh doanh quý III/2023 nếu không khả quan thì cũng không tệ, phần còn lại tin vào triển vọng tương lai của ngành.

Thực tế, trong quý III/2023, cổ phiếu IDI (CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I), cổ phiếu CMX (CTCP Camimex Group), cổ phiếu ANV (CTCP Nam Việt)… đều ghi nhận mức tăng khá tương đồng với mức tăng của chỉ số VN-Index. Cụ thể, thị giá IDI tăng 4,7%, CMX tăng 6,3%, còn ANV tăng 0,4% (trong khi VN-Index tăng 3%). Cùng với đó, thanh khoản cũng tăng lên đáng kể.

Thậm chí, cổ phiếu VHC của “nữ hoàng cá tra” - CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) còn tăng lên mức cao nhất trong 12 tháng (84.500 đồng/cp phiên 20/9). So với mức đáy hồi cuối tháng 3/2023, cổ phiếu này đã tăng hơn 58%.

Tuy nhiên, bước sang quý IV/2023, tính đến hết phiên 30/10, thị giá IDI đã giảm tới 24,5%, CMX giảm 23,6%, ANV giảm 26,7%..., trong khi VN-Index chỉ giảm 9,7%. Đây cũng là giai đoạn, các doanh nghiệp niêm yết nói chung và doanh nghiệp thủy sản nói riêng công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Và điều khiến các nhà đầu tư "quay xe" với cổ phiếu thủy sản có lẽ phần nhiều đến từ kết quả kinh doanh kém khả quan.

“Sức khỏe” doanh nghiệp vẫn kém

Trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế của Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I chỉ đạt 23 tỷ đồng, giảm tới 77% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 15% so với quý trước, doanh thu thuần lần lượt giảm 11% và giảm 4%. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận gộp giảm rất sâu, chỉ đạt 6% trong quý III/2023, trong khi quý III/2022 lên đến 11% và quý II/2023 ở mức 8%. Cùng với đó, gánh nặng chi phí lãi vay vẫn rất lớn: Lãi vay ở mức 83 tỷ đồng trong quý III/2023, bào mòn đáng kể lợi nhuận gộp (vốn chỉ ở mức 111 tỷ đồng). Mức lãi vay này cao hơn 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng một nửa tài sản của công ty đang hình thành từ vốn vay.

Tương tự, trong quý III/2023, lợi nhuận sau thuế của Camimex Group chỉ đạt 9 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 64% so với quý liền trước; doanh thu thuần giảm lần lượt 34% và 2%. Điểm cộng là tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn giữ được ở mức trung bình.

Trường hợp của Thủy sản Nam Việt cũng không khá hơn. Quý vừa qua, doanh nghiệp báo lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng, mặc dù cải thiện so với mức lỗ 51 tỷ đồng của quý trước nhưng thua rất xa mức lãi 120 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do doanh thu thuần giảm 11% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi nhuận gộp giảm rất sâu, từ 23% xuống chỉ còn 8%.

Thậm chí, vừa có lãi trở lại ở quý trước, “vua tôm” Thủy sản Minh Phú (MPC) lại lần nữa báo lỗ hơn 26 tỷ đồng trong quý III/2023, dù đã tích cực tiết giảm các khoản chi phí. Đây cũng là quý lỗ thứ 2 trong năm của doanh nghiệp đầu ngành tôm này. Lũy kế 9 tháng đầu năm, “vua tôm" lỗ 109,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lợi nhuận 571 tỷ đồng vào cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, “nữ hoàng cá tra” - CTCP Vĩnh Hoàn lại bất ngờ xin hoãn nộp báo cáo tài chính khi thời hạn phải nộp gần kề.

Theo giới phân tích, khi Việt Nam mở rộng tham gia các hiệp định thương mại tự do thì chắc chắn các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, tuy nhiên khi lựa chọn nhóm doanh nghiệp này cần có sự phân tích kỹ từng ngành nghề cụ thể để đánh giá cơ hội. Không phải doanh nghiệp nào liên quan đến xuất khẩu cũng hưởng lợi, thậm chí nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh có phần thụt lùi, nên nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình quan tâm.

Thực tế, trong nhóm cổ phiếu thủy sản, lợi nhuận sau thuế của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) trong quý III/2023 lại tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 17% so với quý liền trước, đạt 89 tỷ đồng. Mức lợi nhuận khả quan phần nào đã giúp cho giá cổ phiếu FMC vững vàng trước sóng gió. Cụ thể, trong quý III/2023, thị giá FMC tăng 8,9% (cao hơn mức tăng 3% của VN-Index) và chỉ giảm 6% từ đầu quý IV/2023 đến hết phiên 30/10 (thấp hơn mức giảm 9,7% của VN-Index).

“Các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu thường có chu kỳ lợi nhuận khá đặc thù trong năm, lợi nhuận các quý khá chênh lệch. Thời điểm cuối năm thường sẽ là lúc thị trường xuất khẩu sôi động nhất, nên các doanh nghiệp luôn có kết quả kinh doanh tích cực vào quý IV năm nay và quý I năm sau. Đó cũng là một lợi thế nếu nhà đầu tư muốn đón đầu các cổ phiếu thuộc nhóm doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích của Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) nhấn mạnh.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/can-danh-gia-lai-trien-vong-cua-nhom-co-phieu-thuy-san-1096296.html