Vẽ lại 'bức tranh' của mẹ

1.Mẹ tôi là một người phụ nữ khó tính và nóng tính. Thay vì hay cười nói dịu dàng như các cô, các dì ở đầu trên, xóm dưới, mẹ lại thường xuyên nổi giận, cằn nhằn những việc không đâu. Chẳng hạn như tôi không hề thích ngủ trưa nên luôn nghĩ ra nhiều 'diệu kế' hay ho (theo tôi đánh giá) để có thể trốn ngủ bất cứ lúc nào. Tiếc là trăm lần như một, nếu không bắt gặp tôi ở ngưỡng cửa, mẹ sẽ tìm thấy tôi khi đang phơi đầu trần giữa trưa nắng đi bắt châu chấu, chuồn chuồn. Kết quả là lần nào bắt về cũng bị mẹ đánh đòn.

Là con gái nhưng tính tình chẳng khác nào một thằng con trai chính hiệu nên thay vì lẽo đẽo sau lưng mẹ như mấy đứa “bánh bèo” trong khu phố, tôi thường rủ đám con trai đua xe đạp, thi xem ai trèo cây nhanh hơn. Ừ thì cũng có lúc tôi giành được chiến thắng, khiến “đồng bọn” một phen lác mắt nhưng đa phần toàn thua, tay chân nếu không chảy máu thì quần áo cũng lấm lem bùn đất. Và cái kết là tôi luôn bị mẹ xách tai lôi về nhà khi đang mang “thương tích” đầy mình.

Mẹ chẳng bao giờ lo lắng, nhẹ nhàng thổi vào vết thương cho tôi như những bà mẹ trên phim truyền hình dài tập, thứ tôi đón nhận lúc nào cũng là trận roi đau rát cùng những tiếng quát mắng muốn điếc lỗ tai. Có lần quá giận mẹ, tôi đã hỏi mẹ liệu mình có phải là con gái ruột của bà không? Mẹ chỉ thản nhiên nhìn tôi rồi đáp: “Mẹ nhặt mày ngoài bãi rác về đấy! Ăn cơm nhanh để mẹ dọn dẹp rồi đi làm”.

2.Bố thường xuyên vắng nhà, vì thế tuổi thơ của tôi hầu như chỉ toàn hình bóng của hai mẹ con. Hôm nào cũng như hôm nào, mẹ luôn đánh thức tôi dậy vào mỗi buổi sáng, bắt tôi vệ sinh cá nhân và ăn sáng trong tình trạng ngái ngủ, sau đó nhanh chóng chở tôi đến trường rồi mới đi làm. Thời gian nhanh chóng trôi qua như vòng quay bánh xe đạp cũ của mẹ, tôi cứ thế mà lớn lên. Chứng kiến mẹ vất vả với những công việc không tên, một mình lo toan công việc của nội ngoại hai bên khi bố vắng nhà, tôi thương mẹ vô cùng.

Vì thế tôi tành tập làm việc nhà để san sẻ với mẹ. Thực ra nấu ăn với tôi cũng không khó lắm, sau khi nấu cháy/khê vài nồi cơm; luộc sống vài đĩa rau; làm cháy vài nồi thịt thì tôi đã có thể nấu cho mẹ bữa cơm ngon lành dù đa phần là... món luộc.

Lần đầu ăn mâm cơm chỉn chu do tôi nấu, mẹ rơm rớm nước mắt, nhẹ giọng bảo: “Con gái mẹ lớn thật rồi”. Đó là lần hiếm hoi tôi thấy mẹ có thái độ nhẹ nhàng, tình cảm với mình. Mãi sau này tôi mới hiểu, mẹ vốn sinh ra không phải là người khó tính, chỉ đôi khi hơi nghiêm khắc. Vì thương tôi, mỗi ngày mẹ vất vả làm việc, chỉ mong kiếm tiền để mang lại cho tôi cuộc sống đủ đầy, tốt đẹp nhất. Càng lớn, tôi càng nhận ra rằng, những lời cằn nhằn, răn dạy thuở bé của mẹ có giá trị với mình biết bao, bởi chính chúng giúp tôi trưởng thành, biết sống tự lập, trở thành người có trách nhiệm.

3.Cuối tuần, tôi tự thưởng cho mình một tấm vé xem bộ phim đang “hót” hiện nay do đạo diễn Lý Hải sản xuất: “Lật mặt 7: Một điều ước”. Bộ phim kể về câu chuyện xoay quanh người mẹ già và 5 đứa con bà mà hết mực yêu thương. Đoạn cuối bộ phim, giọng hát của ca sĩ Bùi Anh Tuấn cất lên khiến nước mắt tôi không ngừng chảy:“Từ khi chào đời đến nay, mẹ lo cho con chẳng thiếu điều gì. Mẹ đã cho con bức tranh quá tuyệt vời, tuổi thơ con chưa hiểu thấu. Giờ đây khi đã lớn hơn, con vẽ bức tranh của riêng mình...”.

Tôi xem phim và nhớ về mẹ của mình. Bao năm qua, người phụ nữ ấy đã phải gần như một mình gồng gánh biết bao khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Dù hay cằn nhằn nhưng tôi chưa từng nghe mẹ than thở một câu về những khó khăn, vất vả của mình.

Tôi lớn lên đi học xa nhà, nỗ lực đuổi theo giấc mơ và hoài bão của riêng mình, bận rộn đến mức chẳng còn thời gian nhớ đến mẹ. Những cuộc điện thoại cứ thế ngắn dần, những lần về nhà cũng thưa thớt dần. Vắng tôi, vắng bố, mẹ lại lủi thủi bên mâm cơm một mình.

Đứa trẻ ngày xưa vẫn thường bảo sau này con sẽ nuôi mẹ, giờ chỉ mãi tung bay nơi chân trời xa. Tôi hồn nhiên lớn lên, vô tư đón nhận những điều tốt đẹp đã được mẹ trao cho. Tôi những tưởng rằng tất cả mọi điều tốt đẹp mình đạt được hôm nay đều do mình bỏ 100% công sức, nào ngờ bao khó khăn, gian khổ, mẹ đã tự nguyện mang vác trên đôi vai gầy...

Kết thúc bộ phim, tôi nhanh chóng lên xe và đi trên con đường quen thuộc trở về nhà. Ở nơi đó, chắc mẹ mỗi ngày vẫn đứng ngóng chờ tôi về. Có lẽ như lời bài hát, tôi sẽ về để vẽ lại, tô thêm màu sắc cho bức tranh của mẹ, sửa lại những nỗi đau của mẹ.

Mong thời gian ngừng trôi, để tôi mãi được ở bên cạnh mẹ. Tôi đứng nơi ngưỡng cửa ngày xưa vẫn bị mẹ bắt gặp mỗi lần trốn ngủ trưa đi chơi, đưa mắt nhìn bóng dáng gầy của mẹ, môi mấp máy mấy chữ “con thương mẹ lắm” nhưng chẳng thể thốt ra lời...

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ve-lai-buc-tranh-cua-me-185464.htm