Chủ động phòng bệnh lúc chuyển mùa

Hiện nay, mặc dù đã bước vào thời điểm đầu hè, cũng là giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, nhưng tình trạng nắng nóng vẫn còn khá gay gắt. Nền nhiệt hằng ngày vẫn còn cao, dễ gây sốc nhiệt (say nắng, cảm nắng), nhất là đối với trẻ nhỏ.

Trẻ nhỏ thường rất hiếu động, việc vui chơi ngoài trời thời gian dài, liên tục, trong điều kiện nắng nóng, là một trong những nguy cơ khiến cơ thể trẻ bị mất nước rất nhanh, do cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi để làm mát cơ thể; từ đó sẽ làm tăng thân nhiệt, dẫn đến bị sốc nhiệt, rối loạn chuyển hóa.

Bác sĩ Trạm Y tế xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, thăm khám cho trẻ bị bệnh đau mắt mùa nắng nóng.

Bác sĩ Trạm Y tế xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, thăm khám cho trẻ bị bệnh đau mắt mùa nắng nóng.

Bác sĩ Phan Việt Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, khuyến cáo: “Nên hạn chế cho trẻ đi ra ngoài đường, chạy nhảy vào thời điểm trưa nắng hoặc điều kiện thời tiết chưa mát hẳn. Nếu thực sự cần thiết phải ra đường khi trời nắng nóng gay gắt (đến trường, tan học...) thì phải đội nón, mặc quần áo dài tay, đeo khẩu trang chống nắng... Nên cho trẻ uống nhiều nước, tốt nhất là nên bổ sung nước chanh cho trẻ”.

Số liệu ghi nhận từ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau cho thấy, trong những tháng nắng nóng cao điểm vừa qua, bình quân mỗi tuần, đơn vị tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 1 ngàn trường hợp trẻ mắc các triệu chứng có liên quan đến nắng nóng. Trong đó phổ biến nhất vẫn là bệnh đường tiêu hóa (do thức ăn bị ôi thiu, nấm mốc); bị sốc nhiệt (say nắng); bệnh nhiễm lạnh, viêm phổi (do sử dụng quạt điện trực tiếp vào người hoặc để máy điều hòa ở nhiệt độ thấp).

Chị Dương Bích Tuyền, Khóm 4, Phường 9, TP Cà Mau, có bé trai 8 tuổi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi, cho biết: “Mấy ngày qua bé bị sốt cao, tôi đưa bé đến trạm y tế phường để thăm khám. Các bác sĩ ở đây cũng đã điều trị cho bé theo phương pháp hạ sốt, nhưng không giảm. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi, tình trạng của bé có cải thiện hơn”.

Hiện nay sắp bước vào kỳ nghỉ hè, đây cũng là thời điểm các bé được tự do nô đùa thỏa thích. Tuy nhiên, mùa hè nắng nóng xen lẫn với các trận mưa đầu mùa, thời tiết càng thêm khắc nghiệt, môi trường trở nên khô hanh, càng làm cho độ ẩm trong không khí tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như các loại vi khuẩn, vi rút... có cơ hội bùng phát và tấn công, khiến trẻ rất dễ mắc bệnh, vì đối với trẻ em, sức đề kháng khá yếu.

Bác sĩ Phan Việt Sơn cho biết thêm: “Giải pháp chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ vào thời điểm nắng nóng kéo dài, tốt nhất là nên tắm gội sạch sẽ hằng ngày cho trẻ; thường xuyên thay quần áo cho trẻ khi bị ướt hay khi trẻ ra nhiều mồ hôi để tránh bị cảm lạnh, nhiễm nấm; không để cho trẻ đùa giỡn trên nền đất, cát. Ðặc biệt, nên cho trẻ uống nhiều nước, đưa trẻ đi tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đúng định kỳ”.

Mặc dù hầu hết các căn bệnh mùa nắng nóng đều không quá nguy hiểm, song, nếu người bệnh chủ quan, không được thăm khám và điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển hướng xấu, trầm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ để có hướng xử lý kịp thời./.

Phương Vũ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-phong-benh-luc-chuyen-mua-a32675.html