Tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra, 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân

Sáng 12/12, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra và 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, qua 6 năm triển khai Luật Thanh tra, công tác lãnh đạo tổ chức thi hành Luật luôn được Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo thực hiện hiệu quả.

Tổ chức, hoạt động thanh tra luôn bám sát thực tiễn đất nước, yêu cầu của quản lý Nhà nước và quán triệt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân.

Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành luôn được bảo đảm triển khai và tuân thủ trên thực tế; các chính sách, pháp luật về thanh tra đã thực sự đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả tốt trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước; các mặt công tác thanh tra đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Công tác thanh tra trên phạm vi toàn quốc đã phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và kiến nghị khắc phục; đã tích cực, chủ động trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, sau 6 năm thi hành Luật Thanh tra vẫn còn những bất cập, vướng mắc, hạn chế. Đó là, phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, từ Thanh tra Chính phủ tới thanh tra bộ, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả và đổi mới.

Nhiều nơi chưa chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện kế hoạch cho từng cuộc thanh tra; chưa xác định rõ thời gian, cách thức, nội dung, đề cương, biện pháp thực hiện và phân công trách nhiệm, công việc cụ thể, phù hợp cho từng thành viên đoàn thanh tra.

Việc kiểm tra, giám sát hoạt động đoàn thanh tra chủ yếu được tiến hành qua theo dõi tiến độ, báo cáo của trưởng đoàn thanh tra, chưa thường xuyên, trực tiếp tại nơi thanh tra. Do đó, chất lượng hoạt động thanh tra chưa đồng đều, nhiều cuộc thanh tra chưa đáp ứng quy định về thời hạn, nhất là về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra.

Quy trình nghiệp vụ và đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra chưa bảo đảm thực hiện tốt ở nhiều nơi. Hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra còn có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, rõ ràng; nhiều kết luận thanh tra chưa cụ thể về mức độ thiệt hại, mức độ sai phạm và xác định trách nhiệm.

Còn có sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nhất là giữa cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ với cơ quan thanh tra địa phương; giữa thanh tra các bộ, ngành; chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra bộ với thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành. Đặc biệt phổ biến là sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra Nhà nước và kiểm toán Nhà nước.

Nhiều kết luận thanh tra chưa chú trọng đến các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, biện pháp quản lý, điều hành; còn có hiện tượng thiếu khách quan, nể nang trong việc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Nhiều kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chưa được thực hiện nghiêm, nhất là trong việc xử lý người có hành vi vi phạm, khắc phục yếu kém trong quản lý, thu hồi tiền sai phạm nộp ngân sách...

Báo cáo tổng kết 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân (TCD) của Thanh tra Chính phủ cho biết: Các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời triển khai thực hiện Luật TCD, gắn với việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bằng sự kết hợp đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác TCD đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Các cấp, các ngành đã quan tâm sát sao đến việc xây dựng trụ sở TCD, thành lập Ban TCD, bộ phận TCD, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn TCD; công tác TCD của các ngành, các cấp đã đi vào nề nếp và quy củ hơn.

Lãnh đạo các địa phương đã quan tâm giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc công dân đến khiếu nại, tố cáo ngay tại cơ sở; tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là trong thời gian có các sự kiện chính trị quan trọng.Việc tổ chức đối thoại giữa thủ trưởng của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị để trực tiếp lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân thực chất hơn.

Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về TCD được tăng cường, góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót, tồn tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, sau 3 năm thi hành Luật TCD đã bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém. Đó là, một số cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, nhất là ở cấp cơ sở, chưa quan tâm đầy đủ, chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác TCD; có nơi, có lúc còn biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Trách nhiệm trực tiếp TCD định kỳ của người đứng đầu tại không ít bộ, ngành, địa phương chưa bảo đảm, dẫn đến tình trạng không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết bức xúc của người dân, nhiều vụ việc công dân đã khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác TCD tại trụ sở TCD, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương, giữa ban TCD với cơ quan thanh tra cùng cấp cũng như giữa ban TCD các cấp chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng việc nắm bắt nguyện vọng của công dân và xử lý đơn thư chưa kịp thời hoặc trùng lắp.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với công chức TCD, chưa tạo điều kiện để công chức TCD tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TCD. Do đó, không ít công chức còn lúng túng trong công tác TCD; nhiều trường hợp xử lý đơn không đúng quy định của pháp luật.

Một số địa phương chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong việc giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; thiếu chủ động kiểm tra, rà soát; chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật trong công tác TCD, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo ở một số nơi còn chưa nghiêm túc, chất lượng còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi, tích hợp, khai thác, phục vụ TCD chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp Luật TCD trong thời gian tới.

Việc tổ chức thi hành pháp luật về thanh tra của các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình của Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh tra; coi trọng và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về thanh tra từ phía các chủ thể thuộc khu vực Nhà nước và xã hội. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và trong hệ thống thanh tra.

Tiếp tục kiểm tra, rà soát các quy định pháp luật về thanh tra và các quy định pháp luật khác có liên quan để sửa đổi, bổ sung, thay thế bảo đảm sự đồng bộ và phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn công tác thanh tra.

Tăng cường công tác phối hợp trong và ngoài ngành thanh tra trong thẩm định, rà soát, điều chỉnh và điều phối trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, bảo đảm hạn chế thấp nhất sự chồng chéo và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra.

Lê Sơn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/tong-ket-6-nam-thi-hanh-luat-thanh-tra-3-nam-thi-hanh-luat-tiep-cong-dan/324378.vgp