Thông điệp hòa bình

Sau khi Ðại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, các nỗ lực ngoại giao tiếp tục được thúc đẩy nhằm thể hiện sự ủng hộ Palestine, cũng như phát đi thông điệp hòa bình cho khu vực Trung Ðông. Trong khi đó, tác động từ quyết định tranh cãi này đẩy Mỹ vào 'mớ bòng bong' trong quan hệ với các nước ở khu vực.

Với 128 phiếu thuận, chín phiếu chống và 35 phiếu trắng, Ðại hội đồng LHQ đã thông qua dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố mới đây về Jerusalem, vùng lãnh thổ vốn là vấn đề nhạy cảm và tâm điểm của cuộc xung đột Israel - Palestine. Sự ủng hộ của phần lớn trong số 193 nước thành viên LHQ dành cho Palestine đang khích lệ người dân Palestine tiếp tục đấu tranh giành những quyền chính đáng, trong đó có thành lập một Nhà nước độc lập với thủ đô là Ðông Jerusalem. Nhiều quốc gia trong khu vực Trung Ðông bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine và vấn đề Jerusalem đã trở thành trọng tâm trong các chương trình nghị sự của khối các nước A-rập. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết, nước này sẽ mở Ðại sứ quán ở Ðông Jerusalem, nhằm bày tỏ sự ủng hộ Palestine. Các nghị sĩ Iran phê chuẩn một dự luật khẩn cấp, trong đó công nhận Jerusalem là thủ đô vĩnh viễn của Nhà nước Palestine. A-rập Xê-út cũng khẳng định cam kết ủng hộ Ðông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Tuyên bố của Mỹ về Jerusalem đã đặt cả Mỹ và Israel trước những thách thức. Theo các chuyên gia, quyết định này đã lật ngược chính sách của Mỹ trong gần 70 năm qua, đi ngược lại "sự đồng thuận toàn cầu" về vấn đề quy chế cuối cùng cho Jerusalem phải được quyết định thông qua đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palestine.

Nhà chức trách Israel mới đây lên tiếng thừa nhận, việc Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đã khiến cho tình trạng bất ổn gia tăng nhiều hơn ở khu vực. Tình hình trở nên bất ổn hơn tại dải Gaza và khu Bờ Tây, những vùng đất bị chiếm đóng của Palestine. Các vụ biểu tình phản đối của người Palestine và những cuộc xung đột với các lực lượng Israel xảy ra "như cơm bữa". Bạo lực giữa hai bên đã làm chết ít nhất 12 người Palestine.

Trong khi đó, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Jordan gặp thách thức lớn khi Quốc vương Jordan Abdullah II khó xử trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ dành cho Jordan khiến vương quốc này phải lựa chọn phản đối quyết định mới của Mỹ về Jerusalem qua kênh ngoại giao. Mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đẩy xuống một mức thấp mới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập một hội nghị bất thường của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, tại Istanbul nhằm đáp trả quyết định của Mỹ.

Quyết định của Mỹ về Jerusalem đang gây ra những phản ứng trái chiều. Trong khi những căng thẳng liên quan quyết định này chưa được hạ nhiệt, thì Guatemala lại chính thức tuyên bố sẽ dời Ðại sứ quán của quốc gia Trung Mỹ tại Israel đến Jerusalem, động thái gây lo ngại dấy lên làn sóng phản đối mới. Nhiều nhà phân tích ở Trung Ðông cho rằng, là quốc gia phụ thuộc Mỹ trong mọi lĩnh vực, Guatemala ủng hộ Washington hoàn toàn là điều dễ hiểu. Nhiều chuyên gia còn lo ngại "vết dầu loang" này chưa dừng lại, khi Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely cho biết, Tel Aviv đang liên lạc với "ít nhất 10 quốc gia" về khả năng chuyển đại sứ quán của họ tới Jerusalem. Trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao đang được xúc tiến nhằm kêu gọi Mỹ rút lại quyết định được cho là gây tổn hại nghiêm trọng tới tiến trình hòa bình Trung Ðông, bất cứ động thái nào chạm vào vấn đề nhạy cảm liên quan Jerusalem cũng gây lo ngại có thể "thêm dầu vào lửa".

Trong thông điệp Giáng sinh, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi hòa bình cho Jerusalem và một giải pháp hai nhà nước nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Lời kêu gọi của Giáo hoàng cho thấy, vấn đề Jerusalem thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, khích lệ các nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng bạo lực liên quan quyết định của Mỹ về Jerusalem. Hạ nhiệt căng thẳng và tìm giải pháp ngoại giao cho vấn đề "nóng" này cũng là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế trước thềm năm mới 2018.

THÁI THANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/35116402-thong-diep-hoa-binh.html