PV Trans Pacific (PVP): Hưởng lợi giá cước cao, hoàn thành 98% mục tiêu lợi nhuận cả năm

Doanh nghiệp vận tải dầu thô duy nhất của Việt Nam - PV Trans Pacific (mã cổ phiếu PVP) vừa cho biết doanh thu quý 3/2023 tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá cước tàu dầu neo cao.

Giá cước tàu dầu trên thị trường quốc tế neo ở mức cao đã hỗ trợ tích cực đến hoạt động kinh doanh của PV Trans Pacific

Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PV Trans Pacific, mã cổ phiếu PVP - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với doanh thu thuần tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 562 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán lại giảm 61%, giúp lợi nhuận gộp đạt gần 89 tỷ dồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp vận tải này tăng từ 8% lên 15,8% trong quý 3/2023.

Trong quý 3/2023, PV Trans Pacific còn ghi nhận doanh thu tài chính tăng 146%, lên mức 18,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản chi phí của PV Trans Pacific cũng tăng mạnh; trong đó, chi phí tài chính tăng hơn 174%, lên 28,4 tỷ đồng; và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18%, đạt 8,8 tỷ đồng.

Kết quả, PV Trans Pacific báo lãi ròng đạt gần 56 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo PV Trans Pacific cho biết, doanh thu trong quý 3/2023 tăng mạnh là do đội tàu của doanh nghiệp tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với mức giá cước tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận lại giảm mạnh do các yếu tố về chênh lệch tỷ giá, trích trước chi phí sửa chữa lớn đội tàu, đồng thời không có thu nhập từ thanh lý tàu như trong quý 3/2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, PV Trans Pacific ghi nhận 1.228 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng chỉ đạt 157 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp đã hoàn thành 85% mục tiêu doanh thu và 98% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của PV Trans Pacific đạt hơn 2.700 tỷ đồng, tăng gần 6% so với thời điểm đầu năm nay. Trong đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng gấp 3,8 lần, lên 740,8 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của PV Trans Pacific còn hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn lần lượt là 157 tỷ đồng và hơn 509 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu PVP của PV Trans Pacific từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Thực phẩm Sao Ta (FMC): Lãi ròng quý 3/2023 tăng 11%, nhu cầu tôm phục hồi rõ rệt" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

PV Trans Pacific hiện đang nắm 100% thị phần vận tải dầu thô từ các mỏ trong nước về nhà máy lọc dầu Dung Quất và một phần cho nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, mảng này chiếm khoảng 50-60% doanh thu của PV Trans Pacific.

Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định giá cước vận tải dầu thô và các sản phẩm từ dầu sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao trong thời tới khi giá dầu thô nhiều khả năng còn neo cao và nguồn cung tàu chở dầu chưa thể tăng trong 1 - 2 năm tới đây.

Bên cạnh đó, PV Trans Pacific đã tiếp nhận thêm tàu Pacific Era (trị giá 569 tỷ đồng) vào cuối tháng 6/2023, giúp tăng công suất hoạt động, tạo động lực tăng trưởng trong tương lai.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/10, cổ phiếu PVP đạt 14.400 đồng/cổ phiếu, tăng 19% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/pv-trans-pacific-pvp-huong-loi-gia-cuoc-cao-hoan-thanh-98-muc-tieu-loi-nhuan-ca-nam-112592.htm