Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Tỉnh Long An đang đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa để phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị

Long An là “cửa ngõ” của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ. Vì vậy, tỉnh tiếp tục nỗ lực để có vị thế tương xứng trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Hiện nay, tỉnh có 15 đơn vị hành chính trực thuộc (13 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố) với 19 đô thị, trong đó, có 1 đô thị loại II (TP.Tân An), 6 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 33%. TP.Tân An có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất. Huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất.

Phối cảnh dự án sân vận động mới tại TP.Tân An

So với các tiêu chí của đô thị loại I, hiện nay, TP.Tân An có một số tiêu chí, tiêu chuẩn không đạt điểm tối thiểu theo quy định. Đó là tiêu chí 2 về quy mô dân số và tiêu chí 3 về mật độ dân số. Thành phố kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm, thiết lập chính sách, tạo điều kiện để TP.Tân An có thể đáp ứng các tiêu chí và tiêu chuẩn.

Trong đó, ưu tiên công tác lập quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án. Giai đoạn 2023-2025, cần đầu tư xây dựng các dự án có khả năng khắc phục các tiêu chuẩn còn yếu và thiếu; tiếp tục triển khai các dự án nằm trong danh mục dự án khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn TP.Tân An được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và định hướng mở rộng không gian đô thị Tân An;...”.

Chủ tịch UBND TP.Tân An -
Nguyễn Minh Hùng

Theo Giám đốc Sở Xây dựng - Nguyễn Văn Hùng, chương trình phát triển đô thị tạo động lực, định hướng để các địa phương triển khai đầu tư xây dựng, hoàn thành các tiêu chí, tiêu chuẩn, nâng loại các đô thị hiện hữu và hình thành, phát triển các đô thị mới.

Trong đó, lấy TP.Tân An là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, đầu mối giao thông của tỉnh; thị xã Kiến Tường là đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh; các đô thị: Hậu Nghĩa, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc là đô thị thuộc vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và vùng giáp ranh với TP.HCM.

Đến nay, diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi rõ nét, nhiều công trình được đầu tư, hạ tầng đô thị được xây dựng khang trang, góp phần phát triển KT-XH địa phương, nâng cao cuộc sống người dân.

Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông của thị xã Kiến Tường được tập trung đầu tư phát triển. Thị xã có các trục đường lớn đi qua là Quốc lộ 62, Đường tỉnh 819 và Đường tỉnh 831.

Trên địa bàn còn có Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp và Khu kinh tế cửa khẩu Long An đã đi vào hoạt động ổn định là điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển KT-XH và từ đó tạo sự kết nối liên vùng.

Hạ tầng tại thị xã Kiến Tường được đầu tư (Trong ảnh: Mở rộng đường giao thông từ xã Tuyên Thạnh, Thạnh Hưng để kết nối với Đường tỉnh 819)

Thông tin từ UBND thị xã, hiện Kiến Tường được Bộ Xây dựng thống nhất thông qua Đề án công nhận đạt tiêu chí đô thị loại III. Điều này là phù hợp với quy hoạch, phát triển hệ thống đô thị quốc gia và của tỉnh, tạo đà để thị xã Kiến Tường sớm trở thành đô thị động lực của vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh.

Trong giai đoạn 2023-2030, theo định hướng quy hoạch, thị xã Kiến Tường tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại III và dự kiến được công nhận trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời, quy hoạch phát triển không gian kiến trúc đô thị thị xã trở thành đô thị trung tâm vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, xứng tầm vị trí, tiềm năng.

Ngoài ra, sẽ xây dựng 2 đến 3 khu đô thị đạt chuẩn đô thị theo quy định; khai thác các nguồn lực, điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối mạng lưới đô thị vùng trong và ngoài tỉnh; kết hợp hài hòa giữa cải tạo, xây dựng khu đô thị mới và phát triển thị xã Kiến Tường theo các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu;...

Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Tại Hội thảo “Phát triển đô thị - Thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh vừa tổ chức, đại biểu tập trung đánh giá những khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp để phát triển đô thị. Trong đó, chủ yếu tập trung vào chiến lược đô thị hóa; cơ chế, chính sách, quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cấp - thoát nước, cung cấp năng lượng, hệ thống cây xanh, công viên, hạ tầng xã hội; đặc biệt là vấn đề nhà ở xã hội, thu hút đầu tư, tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp về yêu cầu và sự cần thiết trong sự nghiệp phát triển đô thị của tỉnh.

Huyện Cần Giuộc định hướng lên đô thị loại III

Theo quy hoạch, huyện Cần Giuộc được xác định đi lên đô thị loại III và phát triển đô thị vùng TP.HCM. Để phát triển đô thị nhanh và bền vững, huyện tiếp tục phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh.

Ngoài ra, huyện nâng cao chất lượng lập và triển khai các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất; triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo công tác quản lý đất đai, xây dựng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở các khu dân cư hiện hữu theo định hướng xây dựng TP.Cần Giuộc giai đoạn 2023-2030. Bên cạnh đó, huyện tạo đột phá bằng nhiều công trình giao thông mới, kết nối đồng bộ tất cả địa phương trong huyện và khu vực giáp ranh TP.HCM”.

Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc -
Trương Thanh Liêm

Trên cơ sở phân tích, đánh giá, các đại biểu đưa ra nhận định: Phát triển đô thị tại Long An còn một số hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Theo đó, số lượng đô thị tăng lên nhưng về chất lượng vẫn còn những chỉ tiêu thấp. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đồng bộ và có nơi quá tải.

Đô thị phát triển chậm, chưa tương xứng với vị trí, nền kinh tế, vai trò của tỉnh. Hạ tầng đô thị và liên kết vùng còn yếu; chưa thu hút nhiều dân cư đô thị; đầu tư từ ngân sách còn quá ít; chưa có chính sách phát triển đô thị hiệu quả; chưa đảm đương được các hạ tầng cơ bản (xử lý nước thải, hạ tầng liên vùng, chính sách xã hội như nhà ở xã hội);...

Theo nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nguyên, để phát triển đô thị theo hướng bền vững, tỉnh cần chú ý đến công tác quy hoạch, trong đó, quy hoạch chung (1/2.000) nên chỉ định hướng lớn, có sự linh hoạt, phù hợp. Nhà nước nên đầu tư hạ tầng để có thể huy động sự đóng góp của dự án đô thị; đồng thời, đầu tư, bố trí ngân sách cho phát triển và duy trì để đô thị đủ hoạt động.

Bên cạnh đó, tỉnh cần có chính sách để chọn, mời gọi nhà đầu tư lớn, có đủ năng lực về phát triển đô thị; tạo thủ tục đơn giản đối với việc xin phép xây dựng đô thị. Nhà nước đầu tư hạ tầng đầu mối, quan trọng để đô thị phát triển dựa vào lực hút đô thị có sẵn để TP.Tân An và các huyện: Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa là đô thị vệ tinh, thu hút dân cư,... Dựa vào việc xác định vị trí, vai trò của từng đô thị như để ở, dịch vụ, hành chính, du lịch, gắn kết khu công nghiệp,... mà tỉnh có sự quan tâm đầu tư, nâng chất cho phù hợp; không đặt nặng việc nâng hạng đô thị mà phải dựa vào thực chất.

Huyện Bến Lức được xác định là đô thị vệ tinh quan trọng của TP.HCM

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, việc hình thành, phát triển hệ thống đô thị trong tỉnh phải theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm thực hiện được lộ trình đề ra theo định hướng Quy hoạch tỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh khoảng 55%, các đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa) phải bảo đảm hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị về hạ tầng, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và các công trình văn hóa cấp đô thị. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị hài hòa, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng đô thị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển mạnh các đô thị: Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa (tiếp giáp TP.HCM), mở rộng phạm vi ranh giới các đô thị hiện hữu chưa bảo đảm tiêu chuẩn diện tích.

Phấn đấu đến năm 2030, có 27 đô thị: 1 đô thị loại I (TP.Tân An), 1 đô thị loại II (thị xã Kiến Tường), 3 đô thị loại III (Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa), 9 đô thị loại IV (Cần Đước, Đông Thành, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ và Tầm Vu), 13 đô thị loại V (Rạch Kiến, Long Cang, Long Hựu Đông, Long Trạch, Mỹ Quý Tây, Bình Hòa Nam, Hưng Điền B, Khánh Hưng, Thái Bình Trung, Bình Phong Thạnh, Hậu Thạnh Đông, Tân Long và Lạc Tấn).

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-trien-do-thi-theo-huong-ben-vung-a160402.html