Lý do NATO mua loạt máy bay chỉ huy cảnh báo hiện đại E-7A Wedgetail của Mỹ

NATO thông báo chọn mua 6 máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không (AWACS) E-7A Wedgetail do Mỹ chế tạo, động thái diễn ra trong bối cảnh liên minh này muốn tăng cường năng lực trinh sát trên không.

"Máy bay chỉ huy và cảnh báo rất quan trọng với khả năng phòng thủ chung của NATO. Bằng cách tập hợp các nguồn lực, liên minh có thể mua và cùng vận hành những tài sản lớn vốn quá đắt nếu từng quốc gia thành viên mua chúng", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 15/11 thông báo.

NATO cho biết đã chọn mua 6 máy bay chỉ huy và cảnh báo hiện đại E-7A Wedgetail do Mỹ chế tạo.

Lô máy bay này sẽ được chế tạo trong những năm tới và chiếc đầu tiên dự kiến sẵn sàng hoạt động vào năm 2031.

Hợp đồng mua 6 máy bay E-7A Wedgetail, dự kiến được ký vào năm 2024, là một trong những thương vụ lớn nhất mà NATO tham gia.

NATO chưa công bố tổng trị giá của thương vụ, song liên minh có thể phải chi tới 5 tỷ USD để mua số máy bay này.

NATO đang vận hành 14 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát E-3 Sentry, vốn được mua vào cuối những năm 1970 trong thời kỳ căng thẳng cao trào giữa Chiến tranh Lạnh. Số máy bay này đã trở nên lỗi thời và đòi hỏi chi phí bảo trì cao.

Ngoài phi đội E-3 Sentry và một đội máy bay không người lái (UAV) trinh sát cỡ nhỏ, NATO không sở hữu bất cứ thiết bị quân sự nào. Các nước thành viên của NATO tự mua trang thiết bị và vũ khí cho mình.

Mỹ, Anh và Thổ Nhĩ Kỳ là các thành viên NATO đang hoặc sẽ vận hành trinh sát cơ E-7A. Hàn Quốc và Australia là các nước vận hành E-7A nhưng không thuộc NATO.

Máy bay AWACS E-7A Wedgetail được phát triển bởi công ty Boeing của Mỹ, nhưng chính nước này lại không phải là khách hàng đầu tiên.

Thực tế là dự án này được phát triển theo sáng kiến của Australia và sau đó quân đội Mỹ đã nhận ra ưu điểm của dòng khí tài này và tiến hành đặt mua.

Dự án E-7A bắt đầu khi Bộ Quốc phòng Australia khởi động chương trình Wedgetail. Mục tiêu của họ là tạo ra một máy bay AWACS mới và sau đó mua một số máy như vậy.

Bên chiến thắng trong chương trình là tập đoàn Boeing với dự án mới E-737A hay "1999 AEW&C".

Hai chiếc máy bay đầu tiên cho Australia được sản xuất lắp ráp tại Mỹ. Việc bàn giao diễn ra vào năm 2009. Đến năm 2012, bốn chiếc máy bay nữa đã được chế tạo tại cơ sở của Boeing ở Australia.

Do sở hữu kích thước lớn nên E-7A mang theo được khí tài công suất cao. Radar MESA có khả năng đồng thời trinh sát mục tiêu trên không và trên biển, chỉ huy biên đội máy bay chiến đấu cũng như tìm kiếm theo khu vực, tầm hoạt động tối đa lên tới 600 km (chế độ look-up).

Ở chế độ look-down, E-7A Wedgetail phát hiện được mục tiêu kích cỡ máy bay tiêm kích từ cự ly trên 370 km, hoặc 240 km đối với tàu hộ vệ.

E-7A Wedgetail có thể theo dõi đồng thời 180 mục tiêu và tổ chức đánh chặn 24 đối tượng cùng lúc.

Đặc biệt ăng ten mảng pha còn giúp chiếc E-7A Wedgetail đảm trách được cả vai trò của máy bay trinh sát điện tử (ELINT), nó có thể thu thập mọi tín hiệu từ cách xa 850 km khi bay ở độ cao 9.000 m.

Radar này cho phép quan sát không gian và mặt đất ở góc hướng 360 độ, tia sóng có thể thiết lập từ 2 - 8 độ.

Thời gian quét 3 - 40 giây, thiết bị xử lý tín hiệu radar và máy tính trung tâm đặt trực tiếp bên dưới mảng ăng ten.

Tốc độ trung bình của chiếc E-7A Wedgetail là 853 km/h, giúp nó nhanh chóng có mặt tại điểm nóng.

Chiều dài của E-7A Wedgetail lên tới 33,6 m, sải cánh chưa đến 36 m, trọng lượng rỗng 46,6 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 77,6 tấn.

Tầm hoạt động của máy bay E-7A Wedgetail lên tới 6.482 km, trần bay 12.500 m có tác dụng mở rộng đáng kể trường quan sát.

Hiện tại đã có khoảng 20 chiếc E-7A Wedgetail được xuất xưởng.

Đơn giá một chiếc E-7A Wedgetail hiện vào khoảng 500 triệu USD.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-nato-mua-loat-may-bay-chi-huy-canh-bao-hien-dai-e-7a-wedgetail-cua-my-post558257.antd