Lý Chồng Di - người 'cầm lái' trên đỉnh Trống Páo Sang

Trống Páo Sang là một trong những bản cách xa trung tâm và khó khăn nhất nhì của xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải. Những năm qua, dưới sự 'cầm lái' của Bí thư Chi bộ Lý Chồng Di, các đảng viên và nhân dân đã phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng bản làng ngày càng ấm no.

Ông Lý Chồng Di - Bí thư Chi bộ bản Trống Páo Sang (thứ 2 trái sang) tại buổi gặp mặt tuyên dương các bí thư chi bộ, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố tiêu biểu do Huyện ủy Mù Cang Chải tổ chức.

>> La Pán Tẩn thực hiện Chỉ thị 05

Với lợi thế là người địa phương xử lý mọi việc thấu tình, đạt lý, ông Lý Chồng Di đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân tin tưởng phân công tham gia công tác của địa phương nhiều năm qua.

Bí thư Chi bộ Trống Páo Sang - Lý Chồng Di cho biết: "Khi còn tham gia công tác ở xã, chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhiều nhưng công tác đổi mới còn chậm. Năm 2020, sau khi tiếp tục làm Bí thư Chi bộ, tôi đã cùng với Trưởng bản, các đoàn thể, già làng, người uy tín xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉnh đốn các hoạt động từ xây dựng giao thông nông thôn, điện, nước, vệ sinh môi trường, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phát triển kinh tế gia đình...”.

Theo đó, từ năm 2021 đến hết 2022, bản đã vận động bà con hiến đất và tham gia ngày công lao động chỉnh trang mở rộng, nắn thẳng hệ thống đường giao thông nông thôn trong bản. Đồng thời, Bí thư Di đã đứng ra xin vật liệu, còn người dân bỏ công và bê tông được 3,8 km đường bê tông tiêu chuẩn là các đường trục chính đi trong bản và 2 km bê tông đặc thù đi các ngõ xóm, các khu sản xuất.

Năm 2023, bản tiếp tục vận động các hộ dân ở đơn lẻ tự chủ động vật liệu, dân bản góp sức bê tông nhỏ từ đường xóm về nhà. Hiện nay, cơ bản người dân ở Trống Páo Sang đều có đường bê tông đi xe máy về đến nhà đảm bảo lưu thông thuận lợi 4 mùa. Bên cạnh đó, nhân dân tích cực làm chuồng trại gia súc xa nhà, xây dựng công trình bể chứa nước, nhà tiêu đảm bảo hợp vệ sinh, 100% lợn được nuôi nhốt, vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo định kỳ.

Đặc biệt, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong ma chay, 100% người chết được đưa vào quan tài và làm ma không quá 24 tiếng; không thách cưới, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, người dân cũng phát huy, gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp như: nghề dệt vải, thêu thổ cẩm, nghề rèn đúc, chế tác nhạc cụ, đồ trang sức...

Ngoài ra, người dân đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Hiện nay, 99% số hộ đều đã có thóc đủ ăn. Chăn nuôi cũng từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Bản có 5 mô hình thực hiện theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, gồm: 1 mô hình chăn nuôi dê, 2 mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa và 2 mô hình chăn nuôi gà cẩm giống bản địa. Đặc biệt, 2 hộ đầu tư xây dựng homestay đã hoàn thành đưa vào đón khách...

Hiện nay, bản Trống Páo Sang có 130 hộ, có 127 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em đi học đúng độ tuổi; người già, trẻ nhỏ được tiêm chủng, khám sức khỏe đầy đủ. Đặc biệt, Trống Páo Sang hiện là bản quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ và có diện tích sơn tra lớn nhất xã. Qua đó, góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ bảo vệ rừng và tăng thu nhập chính đáng cho nhân dân.

Châu Á

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/301379/ly-chong-di---nguoi-cam-lai-tren-dinh-trong-pao-sang.aspx