Nông dân và xung lực cách mạng

Bộ ba Đất lành (Công ty TNHH Bình Book và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành) của văn hào Mỹ Pearl S. Buck vừa ra mắt bạn đọc trên thị trường sách dịch Việt sau thời gian dài vắng bóng.

Chân dung nhà văn Pearl S. Buck - Ảnh: pulitzer.org

Căn tính trong sáng tác là vấn đề thú vị, và điều này càng thú vị hơn khi nó xuất phát từ câu chuyện nhà văn Mỹ viết về văn hóa Trung Quốc một cách chân thực, xúc động. Đó là trường hợp văn hào Mỹ Pearl S. Buck, nhà văn đoạt giải Pulitzer năn 1932 và Nobel Văn chương 6 năm sau, nhờ tiểu thuyết Đất lành (The Good Earth).

Đất lành, cùng với các sáng tác khác của bà, được dịch và đọc nhiều ở Việt Nam trước 1975 rải rác đến những năm 2000. Hiện tại, Đất lành trở lại thị trường sách dịch với áo mới, bản dịch mới đầy đủ gồm bộ 3 cuốn. Ba dịch giả có công chuyển ngữ bộ tiểu thuyết quan trọng này lần lượt là: Nguyễn Vân Hà dịch tập đầu tiên là Đất lành, Nguyễn Tuấn Bình dịch Đời con và Nguyễn Quang Huy dịch Ly tán.

Không phải tiểu thuyết nào khác, chính Đất lành đã tạo nên cột mốc trong việc nhìn nhận giá trị quan phương Tây khi sáng tác lấy chất liệu văn hóa phương Đông làm chủ đạo. Và chính Đất lành của Pearl S. Buck đã thay đổi "180 độ" tiêu chí chấm giải Pulitzer: một nhà văn Mỹ hoàn toàn có thể tạo nên một tác phẩm tầm cỡ bên ngoài văn hóa nguồn của chính tác giả ấy, để làm xúc động độc giả bằng câu chuyện nhân văn, mang tính thời đại; nhà văn ấy hoàn toàn được công nhận.

Đất lành của Pearl S. Buck là cái nhìn đầu tiên và chân xác về đất nước Trung Quốc, đặc biệt là nông dân, từ thế giới bên ngoài thông qua sáng tác văn chương.

Đất lành kể về nhiều thế hệ trong gia đình địa chủ giàu nứt đố đổ vách Vương Long, một nông dân bám đất và được đất nuôi dưỡng. Rõ ràng về mặt dung lượng và thi pháp truyện, rõ thấy bà chịu ảnh hưởng rất lớn của tiểu thuyết chương hồi cổ điển của Trung Quốc nhưng bằng cái nhìn khoáng đạt, Pearl S. Buck đã mượn câu chuyện nông dân để phóng chiếu ra một bối cảnh xã hội rộng lớn hơn - giai đoạn "nhạy cảm" trong lịch sử Trung Quốc đầu thế kỷ 20.

Bộ ba Đất lành thay áo mới - Ảnh: Công ty Bình Book

Không phải vô tình mà Pearl S. Buck mở đầu câu chuyện trong bộ tiểu thuyết của mình bằng cái nghèo và sự bần cùng của người nông dân để rồi kết thúc ở thế hệ con cháu xa rời đất đai và gắn liền với chính trị. Pearl S. Buck đã làm một công việc đáng nể đó là cố gắng dựng lại bức tranh Trung Quốc với những xáo động dữ dội về mặt chính trị đầu thế kỷ vừa qua. Nhưng cái mà bà ngấm ngầm muốn thể hiện đó là sự tự cường dân tộc, làm cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi ách xiềng xích của phương Tây - qua người nông dân.

Đất lành là tiếng nói chính trị rất rõ của Pearl S. Buck trong việc chứng minh nông dân - chứ không phải thương hay binh - là nòng cốt của cách mạng. Khi nào nông dân còn bám đất thì người đó sẽ thịnh vượng. Khi nào người Trung Quốc vẫn còn ý thức bảo vệ tấc đất của cha ông thì họ vẫn còn ngấm ngầm nổi dậy để giành lấy vinh quang. Trong cuốn Ly tán, một nhân vật thuộc dòng dõi của Vương Long đã lấy làm tự nhục vì không quen chân, không cảm thấy kết nối với mảnh đất anh ta đang đi ở nước ngoài (một dạng lưu vong vì chính trị) vì đất đó không có xương cốt, máu thịt của đồng bào anh ta. Chi tiết này thực sự xúc động vì nó chạm vào cái toàn thể - bất kỳ ai cũng có thể tự hào về văn hóa của mình, dù văn hóa đó đang đứng trước những thế lực cơ hồ nuốt chửng và hủy hoại nó. Và đó là tình thế mà người Trung Quốc đã phải nếm trải đầu thế kỷ 20.

Quyển Đất lành mà Nguyễn Vân Hà dịch rất xuất sắc, vì nó giản dị, chân thực đến mức... tàn nhẫn. Một trong những đoạn ám ảnh tôi nhất đó là đoạn cái đói diễn ra ở làng của Vương Long. Người ta đói đến mức ăn hết gia súc phải ăn đến lõi ngô và cuối cùng định ăn đến cả bàn ghế. Tác giả dành rất nhiều trang để miêu tả cận cảnh cái đói từ nông thôn đến thành thị, tầng tầng lớp lớp con người, từ lớn đến bé. Cái đói, giặc dã… đã đẩy nông dân đến bước đường cùng, nhưng họ chưa bao giờ tuyệt vọng.

Và cũng phải khen một lần nữa khi Pearl S. Buck đã đan lồng một cách tinh tế bức tranh thời đại với từng điểm xuyết phận người, để thấy rằng, nếu không có sự tỉnh táo, không có sự vững vàng trong lối viết, hẳn bà đã biến bộ tiểu thuyết thành tác phẩm lịch sử khô khan hay bức tranh cá nhân thảm thương giữa những bộn bề biến động ấy. Nhưng cũng phải nói rằng, Pearl S. Buck đã quá tham chi tiết và sa đà vào tiểu tiết một cách không cần thiết, dẫn đến nhiều chỗ trở nên nặng nề.

Sống mấy chục năm ở Trung Quốc và là "người bạn của nhân dân Trung Hoa", nhà văn với tên gọi tiếng Trung Quốc là Trại Trân Châu (赛珍珠) đã viết về văn hóa nước này bằng sự cẩn trọng, nghiêm cẩn, nhằm cung cấp một cái nhìn chân xác, "thông tin đúng" hơn là sự tô vẽ và màu mè văn hóa.

Đất lành là tác phẩm nổi tiếng của Pearl S. Buck dù bà còn nổi danh với nhiều tác phẩm khác suốt sự nghiệp sáng tác không ngừng nghỉ của mình. Bản dịch bộ Đất lành là bản dịch chất lượng, chỉn chu với minh họa đẹp trong ruột sách là một trong những tác phẩm dịch đáng đọc thời gian này. Cảm ơn các dịch giả vì đã đầu tư đến cùng vì văn hóa.

Thế Sang

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nong-dan-va-xung-luc-cach-mang-a24983.html