LHQ thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel - Palestine

Ngày 22/5, người phát ngôn của LHQ (LHQ) Stephane Dujarric đã khẳng định sự ủng hộ của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đối với giải pháp hai nhà nước cho vấn đề xung đột Israel - Palestine.

Khói bốc lên sau vụ oanh tạc của Israel xuống Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 14/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Khói bốc lên sau vụ oanh tạc của Israel xuống Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 14/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Dujarric nêu rõ Tổng Thư ký Guterres sẽ tiếp tục nỗ lực theo đuổi giải pháp hai nhà nước, theo đó Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh, đồng thời tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine.

Về tình hình xung đột tại Gaza, ông cho biết LHQ đang tập trung vào việc thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo và trả tự do cho các con tin, từ đó hướng đến một thỏa thuận chính trị.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN New York, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã cảnh báo Israel không được chặn các khoản tiền thuế thu hộ cho Chính quyền Palestine (PA) để trả đũa quyết định của ba nước châu Âu về việc công nhận Nhà nước Palestine. Ông Sullivan nhấn mạnh hành động này của Israel là sai lầm về chiến lược do việc ngăn chặn các khoản tiền này sẽ làm mất ổn định khu vực Bờ Tây. Ông cho rằng Israel “mắc sai lầm khi ngăn chặn các khoản tiền nhằm cung cấp hàng hóa và dịch vụ cơ bản cho người dân vô tội”.

Trong khi đó, Thủ tướng Palestine Mohammad Mustafa đã cảnh báo về nguy cơ leo thang căng thẳng sau khi Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich công bố kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt PA.

Phát biểu tại cuộc họp với thành viên của các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế, Thủ tướng Mustafa đã nêu bật những hậu quả nghiêm trọng mà các biện pháp trừng phạt do quan chức Israel đề xuất sẽ gây ra cho người dân, ban lãnh đạo và các thể chế Palestine, nhấn mạnh những biện pháp này sẽ dẫn đến chiều hướng leo thang căng thẳng.

Ông cũng hối thúc những quốc gia chưa công nhận Nhà nước Palestine đẩy nhanh tiến trình và ủng hộ quyền tự quyết của người dân Palestine, cũng như việc thành lập một nhà nước độc lập theo các nghị quyết quốc tế.

Trước đó, một nhóm quốc gia châu Âu gồm Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland đã thông báo về việc sẽ công nhận Nhà nước Palestine, với hy vọng điều này sẽ giúp mang lại hòa bình cho khu vực. Quyết định này nhận được sự hoan nghênh từ PA, phong trào Hồi giáo Hamas và một số quốc gia Ả-rập như Jordan, Ả-rập Xê-út.

Phản ứng trước động thái này, Israel đã triệu hồi các đại sứ của mình từ Ireland và Na Uy để “tham vấn khẩn cấp”. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich đã hối thúc Thủ tướng Benjamin Netanyahu hành động ngay lập tức để trừng phạt PA do “những bước đi đơn phương” nhằm chống lại Israel, trong đó có nỗ lực đạt được sự công nhận tại LHQ. Trong bức thư gửi Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Smotrich tuyên bố ông sẽ không chuyển các khoản tiền thuế mà Israel thu hộ cho PA.

Trong khi đó, ngày 22/5, Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Mỹ Joe Biden tin rằng cần đạt được mục tiêu thành lập Nhà nước Palestine thông qua đàm phán chứ không phải đơn phương công nhận.

Phát biểu sau khi Ireland, Tây Ban Nha và Na Uy cho biết sẽ công nhận Nhà nước Palestine trong tháng này, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng nêu rõ Tổng thống Biden luôn ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước và ông cho rằng một Nhà nước Palestine nên được hiện thực hóa thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh sự ủng hộ của Berlin đối với giải pháp hai nhà nước. Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về quyết định của một số nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ một nhà nước Palestine độc lập vẫn là mục tiêu vững chắc trong chính sách đối ngoại của Đức đồng thời nhấn mạnh cần có một quá trình đối thoại để đạt được mục tiêu đó.

Cùng ngày 22/5, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết Paris đánh giá các điều kiện để chính thức công nhận Palestine là một nhà nước vẫn chưa được đáp ứng. Ông Sejourne chia sẻ: "Đây không chỉ là vấn đề mang tính biểu tượng hay vấn đề về lập trường chính trị mà còn là một công cụ ngoại giao cho giải pháp hai quốc gia cùng chung sống trong hòa bình và an ninh".

Ông cũng lưu ý Pháp không cho rằng các điều kiện cần thiết đã được đáp ứng để từ đó, việc quyết định công nhận nhà nước Palestine có thể tạo ra ảnh hưởng thực sự đối với tiến trình hòa bình hiện tại.

Cũng trong ngày 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố Trung Quốc luôn kiên quyết ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine trong công cuộc khôi phục các quyền dân tộc hợp pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.

Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Uông Văn Bân bày tỏ: “Chúng tôi cho rằng ưu tiên trước mắt là thực thi Nghị quyết 2728 của Hội đồng bảo an LHQ, triển khai lệnh ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có ở Gaza và quay trở lại quỹ đạo đúng đắn là tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước một cách càng sớm càng tốt”. Ông Uông Văn Bân cũng lưu ý Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/316662/lhq-thuc-day-giai-phap-hai-nha-nuoc-cho-van-de-israel-palestine.html