Các chuyên gia Nga nhận định về kế hoạch rút khỏi CSTO của Armenia

Các chuyên gia đồng quan điểm rằng Armenia sẽ rời khỏi CSTO, vì nước này rõ ràng đã chuyển hướng về phía phương Tây, vẫn đang xem xét hậu quả và phản ứng của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc gặp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, tại Moskva, ngày 25/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) chủ trì cuộc gặp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, tại Moskva, ngày 25/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan mới đây cho biết nước này đã “đóng băng” tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu và sẽ rời khỏi CSTO vào thời điểm mà Armenia lựa chọn. Ông Pashinyan lưu ý thêm rằng Armenia sẽ chỉ ở lại CSTO trong trường hợp Belarus rời khỏi khối, hoặc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đưa ra lời xin lỗi "có thể chấp nhận được đối với người dân Armenia" về nhận xét của ông liên quan đến cuộc chiến năm 2020 ở Nagorny-Karabakh tại cuộc gặp hồi tháng 5 vừa qua với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Bình luận về điều kiện trên của Armenia với tờ Vedomosti của Nga ngày 14/6, Stanislav Pritchin tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế Primkov (IMEMO RAS) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, thông qua vấn đề Belarus, "giới lãnh đạo Armenia tiếp tục xu hướng tách mình ra khỏi CSTO và Nga". Về phần mình, nhà khoa học chính trị người Armenia Grant Mikaelyan nhắc lại, đây không phải là lần đầu tiên ông Pashinyan chỉ trích Belarus với tư cách vừa là "thủ tướng vừa là một người theo chủ nghĩa đối lập".

"Điều quan trọng nhất không phải là vấn đề Nagorny-Karabakh, hay cuộc chiến và sự tham gia của Belarus trong đó, mà là lý do là để biện minh cho việc rời khỏi CSTO. Rõ ràng, quyết định chính trị trên thực tế đã được đưa ra nhưng vẫn chưa được thể chế hóa", chuyên gia Mikaelyan nêu quan điểm.

Tuy nhiên, chuyên gia Pritchin cho rằng Armenia vẫn đang xem xét hậu quả và phản ứng của Nga.

Theo chuyên gia Mikaelyan, vì Belarus là đồng minh của Nga nên bất kỳ hành động nào liên quan đến nước này đều được điều chỉnh bởi "yếu tố Nga" và nằm trong khuôn khổ "sự chuyển hướng địa chính trị" của Armenia sang phương Tây. Chuyên gia Pritchin lưu ý, những tuyên bố gay gắt của Yerevan không đề cập trực tiếp đến mối quan hệ Nga-Armenia vì giới lãnh đạo Armenia không muốn đối đầu trực tiếp với Nga.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý rằng, trong khi chỉ trích Minsk, ông Pashinyan tránh làm như vậy đối với Kazakhstan mặc dù trong thời gian xảy ra xung đột, nước này đã ủng hộ Azerbaijan. Chuyên gia Pritchin nhấn mạnh: “Armenia có giao dịch thương mại tối thiểu với Belarus nên ông Pashinyan không lo ngại về những hậu quả nghiêm trọng”.

Các chuyên gia đồng quan điểm rằng Armenia sẽ rời khỏi CSTO, vì nước này rõ ràng đã chuyển hướng về phía phương Tây và các tổ chức thân phương Tây về mặt chính trị. Câu hỏi duy nhất bây giờ là khi nào điều này sẽ xảy ra.

"Mọi người đều đã tính đến kịch bản rút lui của Armenia và mọi người đang chuẩn bị cho điều đó. Và đó sẽ là sáng kiến của Armenia, không phải của CSTO", nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Caucasus tại Đại học MGIMO Nikolay Silayev nói, nhưng cho rằng việc rời khỏi CSTO có thể không hề dễ dàng đối với Yerevan.

Trong khi đó, người đứng đầu khu vực Caucasus của IMEMO RAS Vadim Mukhanov nói với tờ Izvestia: Hiện tại, Armenia không thể chuyển sang một tổ chức (phương Tây) khác do quốc gia này có căn cứ quân sự của Nga và lực lượng biên phòng Nga, cũng như người Armenia có một số lợi thế về thị thực ở Nga.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo TASS)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cac-chuyen-gia-nga-nhan-dinh-ve-ke-hoach-rut-khoi-csto-cua-armenia-20240615165747389.htm