Những rủi ro khi Tổng thống Pháp quyết định bầu cử sớm

Để đối phó với thất bại trước phe cực hữu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây chấn động khi tuyên bố giải tán Quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử sớm. Quyết định được đưa ra bất ngờ đến mức nhiều đồng minh trong đảng của ông cảm thấy sốc và khó hiểu.

Báo chí Pháp cho rằng, Tổng thống Macron đang tạo ra một tình thế nguy hiểm cho ổn định chính trị Pháp và cả rủi ro chính trị cho cả Liên minh châu Âu

Báo chí Pháp cho rằng, Tổng thống Macron đang tạo ra một tình thế nguy hiểm cho ổn định chính trị Pháp và cả rủi ro chính trị cho cả Liên minh châu Âu

Tối 8-6 (theo giờ địa phương) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tuyên bố giải tán Quốc hội, mặc dù kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu không bắt buộc ông phải làm như vậy. Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp, 31% cử tri nước này đã bỏ phiếu cho phe cực hữu, cao gấp hơn 2 lần so với số cử tri ủng hộ đảng của Tổng thống Emmanuel Macron - đảng về thứ hai.

Mặc dù Tổng thống Pháp không bắt buộc phải cải tổ chính trị trong nước, nhưng ngay khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử châu Âu xác nhận xu hướng không thể đảo ngược, ông Macron đã lên truyền hình tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp. “Các đảng cực hữu đang thắng thế ở khắp nơi. Đó là tình huống khiến tôi không thể từ chức. Tôi quyết định để các bạn lựa chọn. Vì vậy, tôi sẽ giải tán Quốc hội” - ông Macron nói.

Ngày 12-6, Tổng thống Macron giải thích thêm về quyết định bầu cử sớm. Ông cho rằng, đảng cực hữu mơ hồ về Nga và có mục tiêu rút Pháp khỏi NATO nên ông không thể trao chìa khóa quyền lực cho phe cực hữu. “Sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc và những kẻ mị dân là mối nguy hiểm không chỉ đối với đất nước chúng ta mà còn đối với cả châu Âu, cũng như đối với vị thế của Pháp ở châu Âu và trên thế giới” - ông nhấn mạnh.

Tổng thống Macron là một chính trị gia kỳ cựu và không thích mạo hiểm, nên quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm có lẽ đã được dựa trên những tính toán nhất định. Vào cuối tháng 6 này, cử tri Pháp sẽ đi bầu Quốc hội mới, trước khi khai mạc Thế vận hội tại Paris chỉ 20 ngày.

Việc Tổng thống Pháp chọn ngày bầu cử quá gần, ứng viên và cử tri chỉ có 3 tuần chuẩn bị có thể là yếu tố gây khó khăn cho phe cực hữu. Ông Emmanuel Macron kỳ vọng vào sự tham gia đầy đủ của cử tri Pháp trong cuộc bầu cử sắp tới, đặc biệt là nhóm cử tri trung thành của đảng Phục hưng cầm quyền. Ngoài ra, những thành tựu lãnh đạo nước Pháp từ năm 2017 đến nay là hành trang quý giúp ông Macron và đảng Phục hưng cầm quyền tự tin vào một chiến thắng tiếp theo.

Ông Macron đặt cược rất lớn với động thái này, cho rằng nó sẽ giúp đảng của ông giành thế chủ động và ngăn cản sự trỗi dậy của phe cực hữu. Song nó được đưa ra bất ngờ đến mức ngay cả các nghị sĩ và quan chức đảng Phục hưng của ông cũng bị sốc do chưa hiểu Tổng thống đang tính toán điều gì. Thủ tướng Gabriel Attal, Chủ tịch Quốc hội Yael Braun-Pivet đều phản đối việc tổ chức bầu cử sớm.

“Chúng tôi đã bị sốc và tức giận khi Tổng thống Macron công bố quyết định của mình. Cảm giác như ông ấy đang điều chúng tôi đến đánh một trận chắc chắn thua” - ông Christophe Marion, nghị sĩ đảng Phục hưng, cho biết.

Trong khi ông Macron coi cuộc bầu cử sớm là cách duy nhất để đẩy lùi làn sóng cực hữu và tập hợp cử tri chính thống của tất cả các phe ủng hộ ông, thì nỗi lo sợ về kịch bản ngược lại xảy ra đang phủ bóng lên chính những đồng minh thân cận nhất với ông. “Nếu Tổng thống tự đưa mình ra trước đầu sóng ngọn gió, đó sẽ là một rủi ro rất lớn. Điều chắc chắn là ông ấy sẽ khiến không ít người chống lại mình” - ông Mathieu Gallard, nhà phân tích nghiên cứu tại Ipsos, nhận xét.

Dù sao nếu nhìn từ mọi khía cạnh, giải tán Quốc hội là một quyết định mạo hiểm. Nếu theo đà này, trong 3 tuần tới, cử tri Pháp rất có thể vẫn bầu cho phe cực hữu. Trong quá khứ đã từng có chuyện Tổng thống đang có đa số tại Quốc hội nhưng vẫn muốn củng cố thêm nên tổ chức bầu cử lại và bị mất luôn thế đa số.

Nếu đảng của ông Macron thất bại một lần nữa, không những đảng của Tổng thống Pháp mất thế thượng phong tại Quốc hội Pháp mà ông Macron còn buộc phải bổ nhiệm lãnh đạo phe cực hữu làm Thủ tướng, đồng thời mở ra viễn cảnh thuận lợi hơn nhiều cho phe cực hữu trong kỳ bầu cử Tổng thống Pháp tiếp theo. Báo chí Pháp cho rằng, Tổng thống Macron đang tạo ra một tình thế nguy hiểm cho ổn định chính trị Pháp và cả rủi ro chính trị cho cả Liên minh châu Âu.

Theo Reuters/Washington Post

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-rui-ro-khi-tong-thong-phap-quyet-dinh-bau-cu-som-post579804.antd