Kỷ nguyên của thương mại tự do đã hết?

Chính quyền Mỹ đã thông báo sẽ sớm đánh thuế 100% với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, điều này cho thấy chủ nghĩa bảo hộ hiện là chính sách kinh tế nhận được sự đồng thuận tại Mỹ, nền kinh tế vẫn thường tự hào đi đầu trong việc khuyến khích thương mại tự do.

Tất cả chỉ mới bắt đầu

Hôm 15/4/2024, Nhà Trắng đưa ra thông báo chính thức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký quyết định tăng mạnh thuế đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, chip và sản phẩm y tế.

Chính quyền Mỹ quyết tâm áp thuế lên xe điện Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ quyết tâm áp thuế lên xe điện Trung Quốc.

Cụ thể, chính phủ Mỹ sẽ tăng gấp 4 lần mức thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ 25% lên 100%. Thuế nhập khẩu pin mặt trời của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ 25% lên 50%. Và thuế đối với một số mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu sẽ tăng hơn 3 lần từ 7,5% lên 25%. Mỹ cũng tăng hơn gấp 2 lần mức thuế đối với pin lithium-ion dành cho xe điện và pin lithium dành cho các mục đích sử dụng khác. Trong khi thuế đối với chất bán dẫn nhập khẩu của Trung Quốc cũng tăng từ 25% lên 50%. Thuế quan đối với thép, nhôm và thiết bị bảo hộ cá nhân cũng thay đổi từ 0 đến 7,5%, sẽ tăng lên 25%.

Theo thông báo từ Nhà Trắng “động thái này diễn ra sau cuộc đánh giá kéo dài 4 năm” và là “biện pháp phòng ngừa được thiết kế nhằm ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc được trợ cấp giá rẻ tràn vào thị trường Mỹ và kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực công nghệ xanh của Mỹ”. Đây là những khoản thuế bổ sung sau quyết định tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc được chính phủ tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump thực hiện từ năm 2018. Theo tính toán của Nhà Trắng, những khoản thế mới này sẽ có giá trị khoảng 18 tỷ USD áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng nó chưa phải là cuối cùng.

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang vượt trội so với Mỹ và châu Âu.

Ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc đang vượt trội so với Mỹ và châu Âu.

Trong một phiên điều trần tại Hạ viện tháng trước, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã kêu gọi tăng mạnh mức thuế đối với các sản phẩm kim loại của Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố sẽ mở một cuộc điều tra mới về các hoạt động thương mại của Trung Quốc trong các lĩnh vực đóng tàu, hàng hải và hậu cần. Bên cạnh đó, chính quyền Washington cũng đang gây áp lực lên nước láng giềng Mexico để cấm Trung Quốc bán các sản phẩm kim loại một cách gián tiếp sang Mỹ. Một cuộc chiến thương mại mới đã lại bắt đầu.

Chính sách chung

Một trong những điểm bị chỉ trích trong chính sách kinh tế của chính phủ hiện tại của ông Joe Biden là đã không thể ngăn chặn hiệu quả thâm hụt thương mại Mỹ - Trung dù bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc hiện tại khá yếu so với giai đoạn trước đó. Trong một tuyên bố tranh cử mới đây, đối thủ của ông Joe Biden tại cuộc bầu cử tháng 11 tới là cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều chỉ trích đồng thời đe dọa sẽ sớm tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc nếu được quay trở lại nắm quyền.

Mối quan hệ Nga-Trung thân thiết càng làm tăng lo lắng cho những cuộc đối đầu.

Mối quan hệ Nga-Trung thân thiết càng làm tăng lo lắng cho những cuộc đối đầu.

Đối với mặt hàng đang gây chú ý trên thị trường toàn cầu hiện nay như ôtô điện, vào tháng 3/2024, ông Trump đã nói rằng, nếu được bầu lại làm tổng thống vào cuối năm nay, ông sẽ áp dụng mức thuế 100% đối với “từng chiếc ôtô vượt qua ranh giới” từ các nhà máy sản xuất do người Trung Quốc sở hữu ở Trung Quốc. “Họ sẽ không bán được những chiếc xe đó”, ông Trump quả quyết.

Đáp lại những chỉ trích này, vào tháng 4/2024, trong một bài phát biểu, Tổng thống Joe Biden nói ông “không muốn gây chiến với Trung Quốc” nhưng Mỹ cần phải chống lại “các hoạt động kinh tế không công bằng và tình trạng dư thừa năng lực công nghiệp của Trung Quốc và tôi đang tìm kiếm sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh công bằng”. Khoản thuế 100% này có lẽ chính là điều mà ông Biden đã tìm kiếm được.

Trái với phần lớn những chính sách gây tranh cãi gần đây của chính phủ Mỹ thì quyết định đánh thuế mạnh vào hàng hóa Trung Quốc được đưa ra rất nhanh. Quyết định áp thuế này cũng dựa trên bản kết luận của chu kỳ theo dõi 4 năm từ thỏa thuận thương mại cũ giữa hai nước. Vì thế không thể nói quyết định áp thuế này của ông Joe Biden chỉ là đòn tâm lý nhằm “lấy điểm” khi cuộc bầu cử đang tới gần. Đây là một chính sách đang được ủng hộ mạnh mẽ trong chính giới Mỹ. Và hãy nhìn vào mức thuế 100% dành cho ôtô điện, đó chính là thông điệp: Chủ nghĩa bảo hộ hiện là thứ đang lên ngôi.

Nhưng chủ nghĩa bảo hộ không chỉ đang lên ngôi ở Mỹ. Hôm 18/5/2024, Bộ trưởng Công nghiệp Canada Francois-Philippe Champagne cũng cho biết nước này đang xem xét mức thuế tương tự dành cho xe điện Trung Quốc. Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, những “đồng minh” khác của Mỹ cũng đang ráo riết tiến hành những cuộc điều tra thương mại với mục đích tương tự. Trong vụ kiện thương mại lớn nhất từ trước đến nay của Liên minh châu Âu (EU) chống lại Trung Quốc, Ủy ban Thương mại EU đã khởi xướng một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện từ Trung Quốc từ tháng 10/2023.

Nếu xác định rằng các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc đã được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp theo cách gây hại cho các nhà sản xuất tại EU, thì Ủy ban có thể áp dụng thuế chống trợ cấp tạm thời vào ngày 3/7 tới đây. Vào tháng 3/2024, Ủy ban đã yêu cầu các cơ quan hải quan Châu Âu theo dõi hoạt động nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc, một tín hiệu cho thấy Ủy ban có thể áp dụng thuế tạm thời trong tương lai gần.

Theo Rhodium, hãng nghiên cứu thị trường độc lập, họ từng hy vọng EU sẽ áp mức thuế khoảng 15-30% khi cuộc điều tra bắt đầu. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất đưa ra hôm 29/4 vừa qua, Rhodium cho biết mức thuế phù hợp phải từ 40-50% thậm chí là cao hơn đối với những hãng xe lớn như BYD để giữ được “xe điện Trung Quốc không còn hấp dẫn với thị trường EU”.

Liệu có còn tự do thương mại?

Sau thông báo tăng thuế của chính quyền Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết Trung Quốc phản đối quyết định tăng thuế và sẽ thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, đồng thời kêu gọi Mỹ hủy bỏ các biện pháp này. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) thì lập tức đưa ra một bài xã luận đanh thép có tiêu đề: “Thuế quan mới của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là vết nhơ đối với thương mại tự do”.

Xe điện Trung Quốc đang xâm nhập mạnh thị trường Âu-Mỹ.

Xe điện Trung Quốc đang xâm nhập mạnh thị trường Âu-Mỹ.

Bài báo đã cáo buộc Mỹ “phá hoại thương mại công bằng”, đồng thời nói rằng chính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu thuế quan. “Trớ trêu thay, Mỹ là một quốc gia đề cao nền kinh tế mở và thương mại tự do, nhưng hành động của họ lại đi ngược lại lời nói. Mỹ từng hứa rằng họ không tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc và cản trở sự phát triển của Trung Quốc, nhưng các hành động của họ lại kể một câu chuyện khác”, bài báo viết.

Một điều gần như chắc chắn, sẽ có một cuộc trả đũa như từng xảy ra vào năm 2018. Trong thời gian tới, những mặt hàng của Mỹ đang được nhập khẩu vào Trung Quốc nhiều sau thỏa thuận thương mại năm 2020 như ngô, đậu tương hay khí hóa lỏng hoàn toàn có thể bị đánh thuế bổ sung trở lại. Đó là đòn đáp trả bình thường mà Trung Quốc sẽ luôn sẵn lòng áp dụng. Tương tự với EU, nếu quả thực vào tháng 7 tới đây, Ủy ban điều tra của EU áp thuế với xe điện Trung Quốc, những màn đáp trả là không thể tránh khỏi. Đó là khi cuộc “thương chiến” mới bùng nổ.

Tuy nhiên, khác với cuộc “thương chiến” năm 2018, có hai lý do khiến cuộc “thương chiến mới” diễn ra sẽ khốc liệt hơn. Thứ nhất là vì Mỹ và EU đang ở cùng một phe trong cuộc đấu với Trung Quốc và Nga trong nhiều vấn đề. Cả Mỹ và EU đều đang thực hiện nhiều lệnh cấm khắc nghiệt với nền kinh tế Nga và cũng đang chịu đáp trả. Hôm 16/5, ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Nga Putin đã tới thăm Trung Quốc và thể hiện sự đoàn kết giữa hai bên. Sự “chia phe” ngày càng rõ ràng này chắc chắn sẽ khiến “cuộc chiến” tới đây trở nên khó lường hơn.

Lý do thứ hai khiến các nhà quan sát lo ngại chính là bởi họ sợ Mỹ sẽ mở rộng biện pháp áp thuế sang cả các quốc gia khác. Một đánh giá thị trường cho thấy ngay cả khi được sản xuất tại Mexico hay Indonesia thì xe điện Trung Quốc cũng vẫn có giá thành tốt hơn xe Mỹ nhiều. Phải chăng khi đó một khoản thuế tương tự sẽ được áp cho cả những quốc gia này như ông Trump từng cảnh báo? Nếu quả thực điều đó xảy ra, kỷ nguyên thương mại tự do có lẽ sẽ kết thúc thực sự. Khi đó, không chỉ người tiêu dùng Mỹ mà có lẽ cả nền kinh tế thế giới sẽ phải chịu tác động không hề nhỏ.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/ky-nguyen-cua-thuong-mai-tu-do-da-het--i731994/