Kết quả đàm phán Nga-Mỹ: Kết thúc thành công, đề xuất kế hoạch hòa bình 3 giai đoạn, nguy cơ EU và Ukraine bị gạt khỏi bàn hòa đàm

Cuộc đàm phán kéo dài 4 tiếng rưỡi trong ngày 18/2 giữa hai phái đoàn cấp cao của Nga và Mỹ tại Saudi Arabia đã kết thúc và đạt được thành công.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ 2 từ trái) và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio (thứ 4 từ trái) tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2. (Nguồn: TASS)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (thứ 2 từ trái) và người đồng cấp Mỹ Marco Rubio (thứ 4 từ trái) tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2. (Nguồn: TASS)

Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Yuri Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thành viên đoàn đàm phán, cho biết, hai bên đã thảo luận về các điều kiện cho cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Theo vị quan chức Nga, cuộc gặp Putin-Trump khó có thể diễn ra trong tuần tới và hiện chưa có ngày cụ thể cho cuộc gặp.

The Guardian tóm tắt một số kết quả chính trong cuộc đàm phán:

Thứ nhất, các nhà ngoại giao của Mỹ và Nga nhất trí tái khởi động quan hệ ngoại giao giữa hai nước và bổ nhiệm đại sứ "sớm nhất có thể" để giúp giải quyết mọi căng thẳng có thể phát sinh trong quan hệ song phương.

Theo Ngoại trưởng Marcor Rubio, cả hai nước đều muốn khám phá thêm "những cơ hội phi thường" về sự hợp tác địa chính trị và kinh tế, nhưng chỉ khi họ đồng thuận về một thỏa thuận hòa bình cho Ukraine trước.

Thứ hai, Nga và Mỹ dự định bắt đầu các cuộc tham vấn chính thức về thỏa thuận hòa bình ở Ukraine. Các cuộc đàm phán dự kiến diễn ra "thường xuyên", với việc Washington chỉ định nhóm phụ trách vấn đề này.

Mỹ cho biết, đàm phán sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về lãnh thổ và bảo đảm an ninh, vì ưu tiên sẽ là "chấm dứt xung đột vĩnh viễn", song không bình luận về ý nghĩa của cụm từ này đối với bán đảo Crimea, vốn được Nga sáp nhập năm 2014, song Ukraine và nhiều đồng minh không công nhận.

Phía Mỹ cũng nhấn mạnh về việc đưa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) vào các cuộc đàm phán với một số vai trò nhất định, nhưng không cam kết họ sẽ được ngồi vào bàn đàm phán. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, "mọi bên liên quan cuộc xung đột đều phải đồng ý với điều đó, họ phải chấp nhận được điều đó".

Theo các quan chức Mỹ, bất kỳ sự đảm bảo hòa bình sau xung đột nào cũng phải do "châu Âu lãnh đạo", đồng thời lặp lại lời kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và ca ngợi Anh, Pháp vì "thảo luận về việc đóng góp mạnh mẽ hơn cho an ninh của Ukraine".

Tuy nhiên, phía Nga đã loại trừ khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tới Ukraine. Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố sau cuộc họp, "việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng, việc Ukraine gia nhập liên minh Bắc Đại Tây Dương là mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Liên bang Nga, đe dọa trực tiếp chủ quyền của chúng tôi".

Theo ông, phía Mỹ đã rõ lập trường của Nga rằng, sự xuất hiện của lực lượng vũ trang từ các nước NATO, dù dưới lá cờ EU hay lá cờ quốc gia, cũng không thay đổi được điều gì và tất nhiên là "không thể chấp nhận được".

Trong khi đó, theo phóng viên Jacqui Heinrich của Fox News, Nga và Mỹ đang đề xuất một kế hoạch hòa bình 3 giai đoạn bao gồm lệnh ngừng bắn, bầu cử tại Ukraine và sau đó ký một thỏa thuận cuối cùng.

Phóng viên này còn cho hay, Moscow và Washington coi việc tổ chức bầu cử tại Ukraine là một trong những điều kiện chủ chốt cho một tiến trình giải quyết thành công cuộc xung đột ở quốc gia Đông Âu này.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov xác nhận, Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, song việc các thỏa thuận có thể được ký kết như thế nào về mặt pháp lý là chủ đề cần thảo luận nghiêm túc, vì “phải tính đến thực tế về tính hợp pháp của ông Zelensky”.

Hiến pháp Ukraine không quy định việc hoãn bầu cử tổng thống trong thời gian áp đặt thiết quân luật, mặc dù nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky đã kết thúc vào ngày 20/5/2024.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ket-qua-dam-phan-nga-my-ket-thuc-thanh-cong-de-xuat-ke-hoach-hoa-binh-3-giai-doan-nguy-co-eu-va-ukraine-bi-gat-khoi-ban-hoa-dam-304798.html