Hà Tĩnh thắng lợi trọn vẹn trong vụ lúa xuân 2024

Nhờ chủ động trong sản xuất, vụ lúa xuân 2024 ở Hà Tĩnh giành thắng lợi trọn vẹn khi năng suất đạt kỷ lục, sản lượng lúa tăng cao, giá cả ổn định.

Bộ giống chất lượng, thời vụ tập trung

Vụ xuân 2024, xứ đồng thôn Tiền Tiến (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) gặt "mùa vàng" với năng suất cao kỷ lục, đạt trung bình 60 tạ/ha. Nếu như trước đây, trên xứ đồng này có 5 - 8 loại giống thì bây giờ người dân chỉ thực hiện gieo cấy vài loại giống chất lượng như Bắc Thịnh, Nếp 98, Hana 7,...

 Thu hoạch Nếp 98 trên cánh đồng thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh.

Thu hoạch Nếp 98 trên cánh đồng thôn Tiền Tiến, xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh.

Ông Dương Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Môn chia sẻ: “Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, giá trị, xã đã chủ động cơ cấu lại bộ giống, tập trung vào 1 số nhóm chất lượng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xuống giống tập trung, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch”.

Đến thời điểm này, huyện Đức Thọ đã cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân. Năng suất bình quân toàn huyện đạt 64,5 tạ/ha, phá vỡ kỷ lục từ trước đến nay, cao hơn bình quân toàn tỉnh 3,3 tạ/ha. Đức Thọ là một trong những địa phương luôn đi đầu trong cập nhật các bộ giống mới để tăng cao giá trị sản phẩm cho bà con.

 Các giống lúa chất lượng trĩu bông trên cánh đồng vụ xuân.

Các giống lúa chất lượng trĩu bông trên cánh đồng vụ xuân.

Theo ông Bùi Khắc Phong - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ, căn cứ vào bộ giống được tỉnh phê duyệt và thực tế sản xuất, vụ xuân 2024, huyện gieo cấy trên 90% giống chất lượng cao với 8 loại chủ lực: Nếp 98, Lai Thơm 6, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, MHC2, HD11, HaNa 7 và Hương Bình. Trong đó, cơ cấu 1 giống không quá 30% diện tích gieo cấy, mỗi cánh đồng bố trí sản xuất các loại giống có cùng thời gian sinh trưởng. Năng suất lúa năm nay đồng đều ở tất cả các xã, thị trấn.

Ngoài tập trung về bộ giống lúa chủ lực, thời vụ sản xuất lúa xuân cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm, bố trí phù hợp với điều kiện từng vùng sinh thái, thổ nhưỡng. Nhờ đó, thời vụ từ xuống giống, sinh trưởng đến thu hoạch đều cơ bản đồng nhất trên quy mô toàn tỉnh.

Tại “vựa lúa” Cẩm Xuyên, trên 9.500 ha lúa xuân đều thực hiện chung một thời vụ, một quy trình sản xuất. Nhờ vậy, lúa trổ bông tập trung từ 15 - 25/4, đúng vào thời điểm thời tiết thuận lợi nhất. Điều này đã tạo điều kiện cho việc thu hoạch tập trung, nhanh gọn và quản lý, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, bà con tập trung gieo cấy cơ bản đảm bảo đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Việc đồng nhất thời vụ trên đồng ruộng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong phun phòng, khống chế an toàn vùng bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất quá trình lây nhiễm sang diện tích khác. Nhờ đó, vụ xuân 2024, diện tích lúa bị nhiễm sâu bệnh ở mức thấp”.

"Quả ngọt" từ tập trung, tích tụ ruộng đất

Cánh đồng sản xuất gần 60 ha của thôn Thượng Phong (xã Kỳ Phong) đã hoàn thành thu hoạch những thửa ruộng cuối cùng. Bà con hân hoan đón niềm vui “kép” khi lúa được mùa, được giá. Ông Trần Văn Huân (thôn Thượng Phong) chia sẻ: “Đây là vụ đầu tiên chúng tôi được sản xuất trên cánh đồng tập trung sau chuyển đổi ruộng đất, năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay với gần 61 tạ/ha. Giá lúa ở mức cao từ 5.800 - 6.400 đồng/kg nên gia đình thu về gần 15 triệu đồng nhờ bán lúa tươi tại chân ruộng”.

 Huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã với tổng diện tích gần 890 ha thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa.

Huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã với tổng diện tích gần 890 ha thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa.

Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong chia sẻ: “Hạ tầng được đầu tư đồng bộ, việc sản xuất trên các cánh đồng sau chuyển đổi có sự thay đổi vượt bậc. Không chỉ giải quyết được tình trạng gieo cấy trên nhiều thửa nhỏ, rút ngắn thời gian thu hoạch mà cánh đồng sau chuyển đổi còn thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và hiệu quả trên đơn vị diện tích”.

Đến nay, huyện Kỳ Anh đã có 18 vùng của 9 xã với tổng diện tích gần 890 ha thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Nghị quyết 06 - NQ/TU ngày 18/11/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết 06) thực sự đã tạo nên bức tranh mới cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Sau chuyển đổi, huyện hình thành gần 100 ha sản xuất lúa hàng hóa theo hướng VietGAP, hữu cơ, liên kết với các doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm.

 Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng thửa lớn của xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng thửa lớn của xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc.

Cuộc cách mạng chuyển đổi ruộng đất chuyển tiếp sang giai đoạn mới, mở rộng diện tích và phát triển theo hướng tích tụ, gắn với cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không chỉ ở các vùng đồng bằng có điều kiện thuận lợi mà tại các địa phương miền núi khó khăn cũng đã bắt đầu triển khai chủ trương lớn này.

Xã Đức Liên là địa phương đầu tiên của Vũ Quang triển khai chủ trương chuyển đổi ruộng đất, giảm số thửa trên một cánh đồng. Ông Lê Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Đức Liên chia sẻ: “Vụ xuân này đánh dấu bước đột phá của địa phương khi hoàn thành chuyển đổi ruộng đất quy mô lớn trên 3 thôn, năng suất vượt trội, đạt trung bình 60 tạ/ha. Bà con nông dân rất phấn khởi, tạo động lực cho xã tiếp tục triển khai chủ trương lớn trong những năm tiếp theo”.

Vụ xuân 2024, kết quả của Nghị quyết 06 đã thực sự thể hiện rõ trên những cánh đồng. Toàn tỉnh đã tập trung, tích tụ được 9.311,93 ha, đạt 62% chỉ tiêu Nghị quyết 06. Trên cơ sở này, các địa phương và bà con nông dân chú trọng đầu tư sản xuất, đồng nhất về giống, thời vụ góp phần tăng năng suất, chất lượng và tăng yếu tố an toàn cho sản xuất, hướng đến nền sản xuất hàng hóa.

 Sản xuất lúa vụ xuân 2024 giành thắng lợi toàn diện.

Sản xuất lúa vụ xuân 2024 giành thắng lợi toàn diện.

Ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết : “Sản xuất lúa vụ xuân 2024 giành thắng lợi toàn diện, xác lập kỷ lục mới về năng suất trên đồng ruộng. Điều này nhờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, bà con tập trung gieo cấy cơ bản đảm bảo đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Đáng chú ý, việc thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất không chỉ tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào canh tác, ứng dụng công nghệ cao mà còn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn để tạo ra sản phẩm đồng nhất, có tính hàng hóa cao. Đây chính là động lực để bà con nông dân toàn tỉnh phấn khởi bước vào vụ sản xuất mới - vụ hè thu 2024”.

Vụ lúa xuân 2024, tổng diện tích gieo cấy toàn tỉnh ước tính đạt trên 59.300 ha. Năng suất ước đạt 61,17 tạ/ha, tăng 1,58 tạ/ha so với vụ xuân 2023, phá vỡ kỷ lục từ trước đến nay; sản lượng lúa ước đạt 362.859 tấn, tăng 8.837 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, nông dân còn đón niềm vui lớn khi thị trường lúa, gạo sôi động, giá lúa đạt cao và duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ. Lúa tươi được thương lái thu mua tại chân ruộng với giá 5.800 - 6.300 đồng/kg, lúa phơi qua một nắng 8.300 - 8.500 đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 200 - 500 đồng/kg.

Tiến độ thu hoạch đang được các địa phương tập trung đẩy nhanh, phấn đấu khép thời vụ trước ngày 25/5 để chuẩn bị các điều kiện cho gieo cấy lúa hè thu.

Thái Oanh

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ha-tinh-thang-loi-tron-ven-trong-vu-lua-xuan-2024-post266882.html