Giảm thiểu nguy cơ xâm hại trẻ em và tai nạn thương tích

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có trên 280.900 trẻ em. Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được các cấp ngành, địa phương quan tâm, lồng ghép triển khai thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tử vong do tai nạn thương tích, nhất là đuối nước tăng và diễn biến phức tạp.

Từ năm 2022 đến hết quý 1/2024, toàn tỉnh có 49 trẻ em tử vong do đuối nước; 135 trẻ em bị xâm hại. Tính chất các vụ xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp, xảy ra ở nhiều độ tuổi và nhiều hình thức khác nhau. Mặt khác, số trẻ em vi phạm pháp luật vẫn còn tiềm ẩn, đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác giáo dục và quản lý trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Hiện trường nơi hai nam sinh đuối nước mất tích khi đi câu cá tại kênh Suối Gia, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đậu Tất Thành/TTXVN

Do vậy, Bình Phước đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, tỉnh hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

Để làm được điều này, địa phương tổ chức chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em và phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ xâm hại trẻ em, tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước, tai nạn giao thông; rà soát, bổ sung đủ các biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn… tại các địa điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích; cải tạo môi trường sống, đảm bảo an toàn cho trẻ tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Cùng đó, địa phương đăng tải các thông điệp và khẩu hiệu truyền thông của Tháng hành động vì trẻ em; truyền thông về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), các địa chỉ tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và các địa chỉ cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, an sinh xã hội tại địa phương; sử dụng các sản phẩm, tài liệu truyền thông mẫu được đăng tải trên website của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (http://tongdai111.vn) và fanpage Truyền hình Vì Trẻ em VTV1. Đồng thời, tỉnh phát động, tiếp nhận ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em và tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bà Trần Tuyết Minh cũng cho biết, tỉnh xây dựng, nâng cấp các công trình (trường, lớp học, nhà bán trú, thư viện, sân chơi…) dành cho trẻ em với phương thức mỗi xã, phường, thị trấn có 1 công trình vì trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em; tổ chức các hoạt động thăm tặng quà, học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vượt khó học giỏi; tổ chức các sân chơi an toàn, lành mạnh, vui vẻ cho trẻ em trong dịp Hè.

Bình Phước tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp nhằm tạo cơ hội cho trẻ em được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề có liên quan và đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường công tác quản lý trẻ em, các nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng để tiến hành các giải pháp ngăn ngừa.

Mặt khác, tỉnh huy động sự tham gia của các cơ quan báo chí, cá nhân (đặc biệt là trẻ em) để phát hiện các hành vi xâm hại, lạm dụng, bạo lực, bóc lột trẻ em; tập trung giải quyết và can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trẻ em bị bạo lực, xâm hại, lạm dụng trên địa bàn. Bình Phước cũng vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng quà, tặng học bổng cho trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền và lợi ích của trẻ em theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Đoàn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đoàn, Đội xây dựng kế hoạch hoạt động cho trẻ em sinh hoạt Hè; tổ chức tập huấn Hè, phân công đoàn viên thanh niên tham gia phụ trách, tổ chức các hoạt động sinh hoạt vui chơi giải trí, ôn tập Hè cho trẻ em tại cộng đồng, tổ chức tọa đàm về quyền và bổn phận của trẻ em, phòng, chống xâm hại, lạm dụng, bạo lực, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trên địa bàn dân cư…

Nhật Bình (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giam-thieu-nguy-co-xam-hai-tre-em-va-tai-nan-thuong-tich-20240511075541934.htm