Để Cái Mép - Thị Vải xứng tầm cảng trung chuyển quốc tế

Từng được xếp thứ 12/348 cụm cảng container hoạt động tốt nhất toàn cầu và có tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân khoảng 20%/năm trong 5 năm trở lại đây, nhưng Cái Mép - Thị Vải hiện vẫn chỉ đóng vai trò là hệ thống cảng cửa ngõ.

Điều này thấy rõ khi hàng trung chuyển qua cụm cảng chỉ khoảng hơn 4% vào giai đoạn 2020-2022 và gần 6% vào năm 2023, trong khi tỷ lệ này ở cảng trung chuyển quốc tế là từ 30%-70%.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hàng trung chuyển thấp đã được các chuyên gia đưa ra bàn thảo, trong đó vấn đề đầu tiên là hiện trạng của cụm cảng đang rất manh mún, nhỏ lẻ. Theo tính toán, mỗi cầu tàu ở cảng Cái Mép - Thị Vải có chiều dài trung bình nằm trong khoảng 200-400m và dài nhất không quá 750m. Do đó, không đủ cho 2 tàu lớn cập cảng cùng lúc làm hàng, nhất là các hãng tàu đang có xu hướng đóng các tàu container ngày một lớn để giảm chi phí vận tải.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ định hướng phát triển là cảng trung chuyển quốc tế nhưng thiếu các cơ chế, chính sách hỗ trợ tương thích khiến cảng Cái Mép - Thị Vải không thu hút được hàng trung chuyển. Cụ thể, hàng trung chuyển khi vào cảng phải trải qua nhiều khâu kiểm tra, giám sát và thủ tục, dẫn đến nhiều bất lợi khi thông quan so với các cảng trung chuyển quốc tế khác. Ngoài ra, việc thiếu các đơn vị kiểm tra chuyên ngành, phải đưa hàng đến nơi khác kiểm định dẫn đến chi phí logistics tăng cao, làm giảm đáng kể sức hút của cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước này.

Do đó, nếu không kịp thời nghiên cứu, xác định mô hình phát triển phù hợp để tạo cơ chế quản lý đặc thù, thông thoáng cho hàng trung chuyển thì khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải không thể thu hút được thêm hàng và không thể cạnh tranh được với các cảng trung chuyển quốc tế trong khu vực. Bên cạnh đó, cần đồng bộ kết cấu hạ tầng sau cảng, nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng kết nối liên vùng, kết nối các hình thức vận tải đa phương thức, tập trung xây dựng hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics, kho ngoại quan và hình thành các khu công nghiệp để tạo nguồn hàng.

Các chuyên gia đầu ngành nhấn mạnh, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ hiện nay thì để thúc đẩy lưu thông hàng hóa không thể không có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Riêng với hàng hóa cảng biển, cần có phần mềm kết nối, đồng bộ dữ liệu với cổng dịch vụ công quốc gia, hải quan điện tử, thuế, đầu tư và các phần mềm quản lý của doanh nghiệp, hãng tàu container, trung tâm logistics, cảng cạn... nhằm hỗ trợ khách hàng tra cứu thông tin.

Qua đó, khách hàng có thể tìm kiếm lịch tàu ghé cảng, giá cước, nơi lưu trữ, phương thức vận chuyển... nhằm tăng sức cạnh tranh cho cảng. Nói chung, cần nhận diện sâu sắc những hạn chế hiện tại cũng như thách thức để sớm khắc phục, tháo gỡ “điểm nghẽn” để thúc đẩy cảng Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển xứng tầm, đủ sức cạnh tranh với các cảng trong khu vực và quốc tế.

PHÚ NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-cai-mep-thi-vai-xung-tam-cang-trung-chuyen-quoc-te-post741732.html