Đại biểu Quốc hội: Đề xuất tăng số lần được nghỉ khám thai cho lao động nữ

Thảo luận tại hội trường sáng 27/5 về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần là không đủ, buộc người lao động sẽ phải nghỉ việc không hưởng lương nhiều hơn để đi khám thai theo chỉ định của bác sĩ.

 Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, thảo luận

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 27/5 để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Thảo luận tại hội trường những chính sách cho lao động nữ và chế độ thai sản, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cho biết: tại Điều 53 khoản 1 quy định: "Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày cho 1 lần khám thai".

Đại biểu cho biết, công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp nêu ý kiến đối với nội dung này, khi lao động nữ mang thai đi khám thai định kỳ bác sĩ thường chỉ định khám lại sau 30 ngày. Tuy nhiên theo quy định hiện hành và dự thảo Luật quy định cho lao động nữ chỉ được nghỉ việc đi khám thai tối đa 5 lần. Nếu thai phát triển trong điều kiện bình thường, còn nếu thai phát triển không bình thường thì bác sĩ chỉ định sau 1 tuần, 10 ngày, 15 ngày,... phải đi tái khám để bác sĩ theo dõi.

Như vậy thời gian quy định như dự thảo Luật và Luật hiện hành chỉ được nghỉ không quá 5 lần là quá thấp đối với những trường hợp thai phát triển không bình thường. Để đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt cho phụ nữ lao động đang mang thai yên tâm làm việc, đại biểu đề nghị cũng cần nên xem xét lại quy định nghỉ tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày; đề xuất có thể tăng số lần khám thai lên 9 - 10 lần trong thai kỳ để đảm bảo cho lao động nữ được theo dõi đầy đủ sức khỏe cho thai nhi phát triển tốt.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, thảo luận

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, thảo luận

Với nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, cũng đề nghị tăng số lần được nghỉ việc đi khám thai cho lao động nữ, bởi theo chỉ định của bác sĩ thì thường đi khám định kỳ 1 tháng/lần; việc khám thai được tiến hành nhiều hơn 5 lần/một thai kỳ. Qua đó dẫn tới tình trạng lao động nữ buộc phải nghỉ việc vượt quá quy định, không được hưởng lương để đi khám thai.

Còn tại khoản 2 Điều 55, lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc, khi có vợ sinh con, được nghỉ chế độ thai sản, Đại biểu đề nghị nâng số ngày nghỉ cho lao động nam lên 10 ngày và cao hơn nữa với trường hợp có vợ sinh đôi trở lên hoặc sinh phải phẫu thuật để tăng trách nhiệm của người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm sóc con nhỏ.

Trước đó, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai (Điều 53), có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 1 về số lượng 5 lần, nên theo nguyên tắc đóng - hưởng và chỉ định của bác sĩ. Có ý kiến đề nghị tăng thời gian khám thai quy định tại khoản 1 từ 5 lần lên 8 lần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này kế thừa quy định của Luật hiện hành (tối đa 5 lần), tuy nhiên, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thời gian khám thai "mỗi lần từ 1 đến 2 ngày theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh", tức là tối đa được nghỉ đi khám thai 10 ngày, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người lao động và bảo đảm hài hòa, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng lao động, đặc biệt đối với những đơn vị sử dụng lao động có số lượng lớn lao động nữ.

Các đại biểu tại nghị trường

Các đại biểu tại nghị trường

Về thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi sinh con (Điều 55), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết: Có ý kiến đề nghị nâng mức thời gian mẹ được nghỉ việc từ 2 tháng lên 3 tháng nếu con từ 2 tháng tuổi trở lên bị chết để bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của lao động nữ khi sinh con. Có ý kiến đề nghị tăng thời gian lao động nam được nghỉ khi vợ nghỉ thai sản theo quy định tại điểm a khoản 2 lên 10 ngày làm việc, tại điểm b khoản 2 lên 15 ngày làm việc và tại điểm c khoản 2 lên 20 ngày làm việc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khi con chết, người mẹ trong tình trạng đau buồn, cũng cần có sự hòa nhập để vơi đi nỗi đau mất con, nếu tăng thời gian nghỉ của người mẹ thì có thể kéo dài thêm tình trạng đau buồn và ảnh hưởng thêm đến sức khỏe của người mẹ. Ngoài ra, trong dự thảo Luật cũng đã có quy định lao động nữ sinh con cũng có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có cam kết tự bảo đảm sức khỏe để làm việc và báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý (khoản 2 Điều 62 của dự thảo Luật).

Bên cạnh đó, quy định lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con với mục đích chăm sóc, động viên vợ con những ngày đầu mới sinh, song cũng cần phải tránh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người sử dụng lao động.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-tang-so-lan-duoc-nghi-kham-thai-cho-lao-dong-nu-20200331163645801.htm