Chi Lăng: Ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào nhân giống và chăm sóc ngựa bạchTin khácĐảm bảo cơ sở vật chất đón năm học mơíCộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Những năm gần đây, huyện Chi Lăng đã quan tâm, chú trọng ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào nhân giống và chăm sóc ngựa bạch. Qua đó, góp phần cải tạo, nâng cao chất lượng đàn ngựa bạch, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.'Việc xây dựng mô hình chăn nuôi ngựa bạch với quy mô phù hợp và hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào chăm sóc đã góp phần khai thác hiệu quả lợi thế của vùng; tạo điều kiện cho chăn nuôi ngựa bạch phát triển bền vững, nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Cùng đó, đã góp phần giải quyết vấn đề về lao động, việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo trên địa bàn.'

Chi Lăng là huyện có tổng đàn ngựa bạch lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Toàn huyện hiện có tổng đàn ngựa trên 2.700 con, trong đó có 1.400 con ngựa bạch, tập trung chủ yếu tại xã Hữu Kiên. Ngựa bạch là giống ngựa quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, trung bình một con ngựa bạch trưởng thành bán ra thị trường với giá từ 50 đến 70 triệu đồng/con, cao gấp đôi so với giá ngựa thường.

Người dân xã Hữu Kiên chăm sóc đàn ngựa bạch thuộc dự án

Tuy nhiên trước đây, chăn nuôi ngựa bạch trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc phòng và điều trị bệnh cho ngựa chủ yếu theo kinh nghiệm nên rủi ro cao; kỹ thuật điều trị bệnh cho ngựa còn hạn chế. Mặt khác, do thả rông nên việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên, không có sự tác động kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao, ảnh hưởng đến chất lượng đàn ngựa bạch.

Để phát triển bền vững đàn ngựa bạch, tháng 4/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất giống và chăn nuôi ngựa bạch tại tỉnh Lạng Sơn, thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025. Theo đó, dự án có sự tham gia của 10 hộ chăn nuôi tại xã Hữu Kiên với quy mô 100 con ngựa bạch, thời gian thực hiện trong 3 năm (2020 – 2023). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua 40 con giống (30 con ngựa cái và 10 con ngựa đực giống), còn lại là người dân đối ứng.

Thông qua dự án, người dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trong nhân giống và chăm sóc đàn ngựa bạch. Cụ thể như: kỹ thuật chăm sóc ngựa đực giống và ngựa bạch cái sinh sản; kỹ thuật chăn nuôi ngựa cái chửa đẻ, ngựa bạch từ lúc sơ sinh đến giai đoạn trưởng thành… Cùng đó, người dân nắm được các kỹ thuật phòng và trị bệnh như: vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, cách ly, tiêm vắc xin phòng bệnh; kỹ thuật trồng và chế biến thức ăn cho đàn ngựa.

Ông Nông Văn Chưng, thôn Co Hương, xã Hữu Kiên cho biết: Tham gia dự án, tôi đã nắm thêm được nhiều kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào thực tế chăn nuôi đàn ngựa bạch. Thay vì chăn thả tự nhiên (thả rông) như trước đây, hiện nay, gia đình tôi đã nuôi bán chăn thả; trồng thêm cỏ voi, bổ sung tinh bột và tiến hành ủ thức ăn cho đàn ngựa vào mùa đông… Nhờ đó đến nay, đàn ngựa bạch của gia đình phát triển tốt, đã tăng đàn lên 14 con.

Ngoài ra, tham gia dự án người dân còn được tham quan thực tế tại các mô hình ứng dụng có hiệu quả khoa học – kỹ thuật vào nhân giống và chăm sóc ngựa bạch tại tỉnh Thái Nguyên. Nhờ đó đến nay, sau hơn 2 năm triển khai dự án, các hộ chăn nuôi đều đã nắm vững và ứng dụng thành công các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đàn ngựa bạch. Từ 100 con ngựa bạch ban đầu, đến nay, đàn ngựa phát triển tốt và đã sinh sản, tăng đàn lên 200 con.

Ông Nguyễn Văn Tin, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiên cho biết: Dự án là tiền đề quan trọng góp phần giúp người dân trên địa bàn thay đổi phương thức chăn nuôi từ truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn có quy mô, thế mạnh và hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, giúp người chăn nuôi ngựa bạch nắm vững các kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng khoa học vào chăn nuôi. Góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đàn ngựa bạch, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Tin tưởng rằng, với việc người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào nhân giống và chăm sóc, thời gian tới, đàn ngựa bạch trên địa bàn huyện Chi Lăng sẽ phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng

LIỄU CHANG

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/518655-chi-lang-ung-dung-khoa-hoc-ky-thuat-vao-nhan-giong-va-cham-soc-ngua-bach.html