Chậm chân sẽ lỡ thời cơ phát triển
Sân bay Long Thành không chỉ là dự án trọng điểm quốc gia về mặt kết nối giao thông mà siêu dự án này còn đóng vai trò tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội cho Đồng Nai cũng như cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai.
Do đó, các dự án hạ tầng giao thông kết nối cũng như dịch vụ cần được đầu tư để khai thác đồng bộ nhằm lan tỏa động lực phát triển.
* Một trong 2 công trình tạo đột phá phát triển
Dự án Xây dựng sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào ngày 25-6-2015 và báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án vào ngày 26-11-2019. Mục tiêu của dự án là xây dựng sân bay Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực. Sân bay Long Thành cũng nằm trong tốp 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới.
Ngoài vai trò kết nối giao thông, sân bay Long Thành còn là cực tăng trưởng thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng. Theo nghiên cứu của Hãng tư vấn Hansen Partnership (Australia), khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%.
Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành là 2 công trình quan trọng nhất của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là những dự án sẽ tạo ra sự đột phá phát triển về kinh tế - xã hội.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, Đồng Nai biết rằng khi có sân bay quốc tế nằm trên địa bàn thì các lan tỏa của sân bay sẽ tác động đến cả một vùng rộng lớn. Do đó, địa phương cũng mong muốn phải tạo được sự lan tỏa động lực phát triển của dự án một cách sâu rộng. Muốn thực hiện được điều này, đòi hỏi hệ thống hạ tầng kết nối cũng như các dịch vụ đi kèm phải được đầu tư đồng bộ và sớm được triển khai. “Đối với các dự án thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư, tỉnh đã đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm, cho lập các hồ sơ chủ trương đầu tư cũng như bố trí, tính toán vốn để các kết nối thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư được đồng bộ với hệ thống giao thông chung” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
* Quỹ thời gian không còn dài
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, năm 2021 sẽ kết thúc. Như vậy, thời gian hoàn thành dự án Xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 chỉ còn khoảng 4 năm. Điều này đòi hỏi các dự án hạ tầng cũng như các dự án cung cấp dịch vụ đi theo sân bay Long Thành bắt buộc phải tăng tốc theo.
Đối với các dự án hạ tầng giao thông, quá trình triển khai luôn gặp nhiều khó khăn, kéo dài, nhất là đối với công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, quỹ thời gian còn lại để đạt được mục tiêu hoàn thành xây dựng đồng bộ với sân bay Long Thành không còn dài.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, chỉ còn chưa đầy 5 năm nữa, chuyến bay đầu tiên tại sân bay Long Thành sẽ cất cánh là rất nhanh. Do đó, các dự án đi theo sân bay Long Thành bắt buộc phải “chạy đua” ngay từ thời điểm này. Do đó, đối với các dự án do Nhà nước đầu tư, các cơ quan liên quan phải nỗ lực hoàn thiện sớm.
Đối với các dự án kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ theo quy hoạch cũng phải triển khai thu hút nhà đầu tư sớm. “Thu hút nhà đầu tư vào sớm chừng nào, đầu tư sớm chừng nào, đưa vào phục vụ sân bay Long Thành sớm chừng nào, sẽ tốt chừng đó. Hoàn thành trước năm 2025 càng tốt. Phải làm sao để năm 2025 trở thành điểm gặp gỡ khi sân bay Long Thành hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác thì những công trình hạ tầng giao thông kết nối, các khối dịch vụ xung quanh sân bay cũng phải được đầu tư đồng bộ” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.