Bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương thống nhất với các Bộ có liên quan, trong đó, lưu ý rà soát bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 347/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kết luận: Việc bổ sung sửa đổi quy định pháp luật đối với lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam là vấn đề rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến an ninh quốc gia, chính trị đối ngoại, cần có thời gian rà soát, nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện, thận trọng, đặc biệt phải lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp, nhất là các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế,... Để xử lý toàn diện các vấn đề, yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi những nội dung liên quan đến lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam vào thời điểm phù hợp.

Để tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan, trong đó, lưu ý rà soát bảo đảm đơn giản trình tự, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, chú trọng cấp phép trực tuyến và đẩy mạnh chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", đảm bảo thông thoáng, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi.

Cùng với đó, tăng cường phân cấp, thể chế trách nhiệm, chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật; thực hiện đúng chủ trương thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam; hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/8/2023.

Trước đó, đại diện các doanh nghiệp (DN), Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam than phiền về thời gian, thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn quá chậm và nhiêu khê. Điều này khiến cho kế hoạch sử dụng lao động người nước ngoài tại một số DN bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, Nghị định 152/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý NLĐ Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam áp dụng từ năm 2020 đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn cho các DN có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài.

Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết nhận được những phàn nàn của các DN liên quan việc xin giấy phép cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam làm việc, trong đó phổ biến nhất là thời gian làm thủ tục để có được giấy phép lao động kéo dài.

Theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) các tỉnh, thành sẽ xem xét hồ sơ cho bước giải trình nhu cầu sử dụng và trả kết quả trong 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình và 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các DN, thực tế thời gian kéo dài hơn quy định để có được giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. Thủ tục chậm trễ khiến nhiều DN gặp khó khăn khi tiếp nhận, tuyển dụng lao động người nước ngoài đến làm việc.

Ngoài ra, quy định mới nêu rằng chuyên gia nước ngoài phải có bằng cấp phù hợp với công việc tại Việt Nam cũng đang gây khó khăn cho DN. Một trong các giấy tờ cần nộp cho vị trí chuyên gia là bằng đại học và giấy xác nhận ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo. Rất nhiều chuyên gia nước ngoài ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài dù đã làm tại Việt Nam nhiều năm (có người hơn 10 năm) nhưng không còn giữ bằng đại học vẫn không thể lấy xác nhận.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bao-dam-don-gian-trinh-tu-thu-tuc-cap-giay-phep-lao-dong-cho-nguoi-nuoc-ngoai-lam-viec-tai-viet-nam-post261821.html