8 dự án luật dự kiến được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6

Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi)... là những dự án luật dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Ảnh minh họa

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc trọng thể vào ngày 23/10/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 28/11/2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (sau đây gọi tắt là Luật BHXH năm 2014) thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng ; (iii) chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; (iv) một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn... Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội gồm 10 chương, 136 điều.

Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Những nội dung được sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật tập trung vào 4 chính sách, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.

Dự thảo Luật công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 7 chương, 73 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chế độ, chính sách đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; chuẩn bị và thực hành động viên công nghiệp; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật Đường bộ (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Đường bộ (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; vận tải đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Dự thảo Luật Đường bộ (sửa đổi) gồm 6 chương, 92 điều. So với dự thảo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (đó là chương: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ).

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Việc xây dựng Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, với mục tiêu quan trọng là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; đảm bảo sự điều chỉnh sát thực tế về pháp lý; khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành, phù hợp với xu thế phát triển phát luật của nước ta và thông lệ quốc tế.

Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ gồm 9 chương, 81 Điều.

Luật Thủ đô (sửa đổi)

Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và các chủ trương của Đảng tại các nghị quyết có liên quan; khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012).

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân được sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 154 điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 7 điều (giảm 2 chương, tăng thêm 57 điều so với Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản gồm 3 điều, bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và 3 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua, đồng thời rà soát, cập nhật đầy đủ các loại tài sản mà pháp luật hiện hành quy định phải bán thông qua đấu giá.

Trong tuần qua, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cũng đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tham gia vào các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Các ý kiến đã có sự nghiên cứu sâu, lập luận chặt chẽ từ góc độ chuyên môn liên quan.

Đáng chú ý, tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ông Lê Công Tiến - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đề nghị Ban soạn thảo và Quốc hội xem xét sửa đổi tại Khoản 2 Điều 91 quy định việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định sau khi có thông báo thu hồi đất. Trường hợp người có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký sau khi có thông báo thu hồi đất.

Ông Tiến cho biết: Lý do, nếu theo quy định tại dự thảo giá đất bồi thường được xác định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì không thể thực hiện được do việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 87. Do vậy, giá đất bồi thường phải có trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất. Từ những nội dung trên và thực tế triển khai ,ông Tiến đề nghị sửa như đề xuất. Đề xuất cũng phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 106 của dự thảo Luật này.

V.T ( BT theo VTV)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/302688/8-du-an-luat-du-kien-duoc-quoc-hoi-xem-xet-cho-y-kien-tai-ky-hop-thu-6.aspx