Xây dựng các chính sách khuyến khích tạo việc làm xanh

Xây dựng các chính sách khuyến khích tạo việc làm xanh được đưa vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tuy nhiên có rất ít thông tin về việc làm xanh và những kỹ năng trong bối cảnh của Việt Nam

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: GSO

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: GSO

“Việc làm xanh là trọng tâm của phát triển bền vững và đáp ứng những thách thức toàn cầu để bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế và bình đẳng xã hội… Tuy nhiên, trên thực tế, thực hiện đo lường việc làm xanh vẫn còn tương đối mới và chưa có nhiều quốc gia tiến hành việc này”, đó là ý kiến nhận định của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Trung Tiến tại “Hội thảo việc làm xanh trong triển khai chiến lược tăng trưởng xanh” tổ chức ngày 9/6, tại Hà Nội.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 xác định việc tạo việc làm xanh là một trong những định hướng chiến lược. Để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030; trong đó, xác định vai trò và trách nhiệm của các bộ, ngành.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ dự báo nhu cầu về kỹ năng xanh và việc làm xanh dựa trên các chiến lược ngành, thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về việc làm xanh, tăng cường kết nối việc làm và hội nhập, đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu việc làm xanh, kỹ năng xanh. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể là Tổng cục Thống kê xây dựng phương pháp đo lường việc làm xanh, thiết lập hệ thống giám sát các chỉ số về việc làm xanh.

“Mặc dù, Việt Nam đã thông qua các mục tiêu về tăng trưởng xanh, nhưng không có định nghĩa thống nhất hoặc cách đo lường cơ bản về việc làm xanh ở Việt Nam. Xây dựng các chính sách khuyến khích tạo việc làm xanh được đưa vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tuy nhiên, có rất ít thông tin về việc làm xanh và những kỹ năng mà những công việc này yêu cầu trong bối cảnh của Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến cho hay.

Ông Christophe Lemiere, Giám đốc Ban Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới phát biểu. Ảnh: GSO

Ông Christophe Lemiere, Giám đốc Ban Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới phát biểu. Ảnh: GSO

Ông Christophe Lemiere, Giám đốc Ban Phát triển Con người, Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, Việt Nam đã có những cam kết lớn tại COP26 và ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó xác định những ưu tiên chính.

Tại Việt Nam chưa có định nghĩa thống nhất về việc làm xanh cũng như chưa có phân tích mang tính hệ thống về việc làm xanh, đặc biệt là ít có những phân tích kỹ năng cần có để thực hiện, áp dụng các chính sách phát triển xanh. Ngân hàng Thế giới đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc làm xanh tại Việt Nam.

“Trong 2 năm qua, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành phân tích, xem xét các định nghĩa, sử dụng phương pháp luận, phép đo để trả lời các câu hỏi đặt ra. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ, mang lại kiến thức và kinh nghiệm quốc tế để chia sẻ với Việt Nam về vấn đề này”, ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.

Hiện, việc làm xanh được triển khai trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như nông nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải... Việc làm xanh giúp làm giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên vật liệu thô và tài nguyên nước thông qua các chiến lược hiệu suất cao, giảm thiểu phát thải nhà kính, giảm thiểu, ngăn ngừa phát sinh chất thải ô nhiễm đồng thời bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, ngày 23/5/2019, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 710/QĐ-BLĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2030; trong đó, nhấn mạnh hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc khu vực kinh tế xanh bao gồm: tập huấn cho cán bộ của ngành về việc lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào việc xây dựng các chính sách đào tạo nghề; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng về xanh hóa giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo các nghề xanh cho nền kinh tế và tổ chức hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc khu vực kinh tế xanh: ngành dịch vụ môi trường (nước thải, rác thải), năng lượng tái tạo…

Theo ông Ngô Xuân Liễu, trung tâm sẽ phối hợp với ngành thống kê xây dựng tiêu chí, phương pháp đo lường việc làm xanh; hệ thống cập nhật và tổng hợp thông tin về việc làm xanh; đồng thời, tăng cường dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng cung ứng nguồn nhân lực nói chung, nhu cầu nhân lực cho tăng trưởng xanh nói riêng.

Cùng với đó, Cục Việc làm sẽ hoàn thiện và phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; trong đó, có các thông tin về ngành nghề xanh (dự báo nhu cầu lao động, yêu cầu về năng lực, kỹ năng...), kết nối cung và cầu trong thị trường lao động nói chung, việc làm xanh nói riêng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: GSO

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: GSO

Còn bà Cao Thị Thu Hương, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải đánh giá, đối với việc làm xanh, mỗi kịch bản chính sách trong Giao thông Vận tải bằng cách phát triển công cụ đo lường việc làm xanh theo giới và trình độ chuyên môn kỹ thuật; đồng thời, hỗ trợ định lượng tác động kinh tế –xã hội của các kịch bản chính sách và các kịch bản cập nhật hướng tới với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và tác động đến việc làm, nhiều ý kiến đề xuất, Tổng cục Thống kê cần sớm tiến hành nghiên cứu, tính toán thử nghiệm, hoàn thiện phương pháp để có thể áp dụng rộng rãi và công bố kết quả tính toán việc làm xanh theo định kỳ trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần xây dựng hệ thống tổng hợp thông tin về việc làm xanh từ cấp cơ sở, doanh nghiệp tích hợp đồng bộ với hệ thống cơ sở dữ liệu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây sẽ là thông tin đầu vào để có các dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng tăng trưởng xanh dựa trên định hướng của các ngành, lĩnh vực.

Cùng với đó, các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách lồng ghép với ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy tạo việc làm xanh; hoàn thiện chính sách việc làm phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nhằm khuyến khích tạo việc làm mới và bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, tạo việc làm xanh và phát triển sinh kế bền vững cho người lao động, nhất là lao động yếu thế, lao động bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.

“Để đạt được các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh, điều quan trọng là phải tăng việc làm xanh hiện tại và nâng cao chất lượng việc làm xanh tiềm năng. Việc làm xanh đem lại lợi ích cho môi trường, kinh tế và con người và là chìa khóa của phát triển bền vững”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến nhấn mạnh./.

Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xay-dung-cac-chinh-sach-khuyen-khich-tao-viec-lam-xanh/294188.html