VN-Index giao dịch giằng co, cổ phiếu điện - khí 'thắp sáng' thị trường

Dòng cổ phiếu điện 'sáng' nhất phiên khi hai cổ phiếu vốn hóa lớn là PGV và POW đều tăng kịch biên độ. Cùng đó, GAS cũng tăng mạnh, không chỉ đóng góp cho mức tăng chung của VN-Index mà còn vươn lên vị trí thứ 3 vốn hóa.

Trong phiên giao dịch đầu tuần 27/5, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng sau phiên giảm với thanh khoản tăng cao. Điều này khiến thị trường rơi vào trạng thái giằng co với những đợt tăng, giảm điểm đan xen của các chỉ số, cùng thanh khoản giảm khá mạnh.

Diễn biến giằng co, tăng giảm với biên độ hẹp diễn ra xuyên suốt cả phiên giao dịch ngày hôm nay. Dù vậy, các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh nhờ vào lực cầu tập trung vào cuối phiên.

Tâm điểm của sự chú ý tập trung vào nhóm cổ phiếu ngành năng lượng, cao su săm lốp và bảo hiểm. Ở nhóm năng lượng, PGV và POW bất ngờ được kéo lên mức giá trần. Cổ phiếu POW giao dịch với thanh khoản lớn, hơn 41 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Trước đó, thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên đã hé lộ nhiều yếu tố tích cực. Doanh nghiệp này ước tính về kết quả kinh doanh tháng 5, đồng thời có thể nhận 1.000 tỷ đồng từ khoản bồi thường cho nhà máy Vũng Áng 1. Bên cạnh đó, các cổ phiếu năng lượng khác như TV2, TV1, PPC, NT2... cũng đồng loạt bứt phá.

Không riêng cổ phiếu điện, cổ phiếu ông lớn ngành tiện ích PV GAS cũng tăng 2,53%, đóng góp nhiều nhất cho mức tăng chung của VN-Index. Hiện Tổng công ty này đã vươn lên đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng về quy mô vốn hóa thị trường của các tổ chức niêm yết trên sàn, chỉ đứng sau VCB và BIDV.

Tại nhóm bảo hiểm, các mã như BMI, BVH, PVI, MIG... đua nhau tăng giá tốt. Trong đó, BMI tăng 4,2%, BVH tăng 4%, PVI tăng 2,6%... Nhóm bảo hiểm tăng giá đợt gần đây là nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào việc có thể tăng lãi suất và tác động tích cực đến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này.

Nhóm cao su săm lốp cũng giao dịch tích cực. DRI tăng 5,8%, DPR tăng 4,6%, GVR tăng 2,9%... Nhóm ngành này cũng đang hưởng lợi từ việc giá cao su liên tục tăng và neo ở mức cao trong thời gian gần đây. Các cổ phiếu săm lốp như CSM, DRC, BRC đều đóng cửa trong sắc xanh.

Top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index đều là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Top 5 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index đều là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.

Một số các nhóm ngành như dầu khí, khu công nghiệp... cũng ghi nhận những diễn biến tích cực. Các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index có GAS, GVR, HVN, POW, PGV... Trong đó, GAS có đóng góp lớn nhất với 1,12 điểm khi tăng 2,5%. Đáng chú ý, top 5 cổ phiếu đóng góp điểm tăng nhiều nhất cho thị trường chung phiên hôm nay đều là nhóm doanh nghiệp do Nàh nước sở hữu trên 50% vốn.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng có một phiên giao dịch không tốt và gây áp lực đáng kể lên thị trường chung. Trong đó các mã như HDB, SSB, BID, SSI, TPB hay CTG đều chìm trong sắc đỏ. BID giảm 0,6% và lấy đi của VN-Index 0,41 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 5,75 điểm (0,46%) lên 1.267,68 điểm. Toàn sàn có 233 mã tăng, 198 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,11 điểm (0,46%) lên 242,83 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng, 70 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,47 điểm (0,5%) lên 94,87 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt gần 727 triệu cổ phiếu trị giá 17.584 tỷ đồng, giảm 50% so với phiên cuối tuần trước, trong đó, giá trị giao dịch thỏa thuận đóng góp 2.738,89 tỷ đồng. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.397 tỷ đồng và 1.084 tỷ đồng.

Xét về khối lượng giao dịch, POW là mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 41,2 triệu đơn vị. Tiếp sau đó, EIB và EVF khớp lệnh lần lượt 23,3 triệu đơnv ị và 17 triệu đơn vị. Về giá trị giao dịch, FPT trở lại thu hút mạnh mẽ dòng tiền với 682 tỷ đồng giao dịch trong phiên. Tiếp đến là SSI (591 tỷ đồng), POW (492 tỷ đồng).

Khối ngoại tiếp tục bán ròng sau tuần bán mạnh liền trước.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng sau tuần bán mạnh liền trước.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng 531 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó, dòng vốn này bán ròng mạnh nhất mã CTG với 109 tỷ đồng. HPG và HDB bị bán ròng lần lượt 74 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Trong khi đó, TCH được mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ 33 tỷ đồng. EVF cũng được mua ròng 31 tỷ đồng.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-giao-dich-giang-co-co-phieu-dien---khi-thap-sang-thi-truong-d216164.html