Việt Nam ở đâu trong cuộc đua thu hút FDI và thúc đẩy sản xuất tại châu Á?

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang đẩy mạnh cuộc đua chính sách nhằm thu hút giới đầu tư với mong muốn trở thành cường quốc sản xuất trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Đáng nói, Việt Nam vẫn được xem là một điểm đến hấp dẫn trong cuộc đua này.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã thống trị ngành sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, các công ty đang ngày càng đa dạng hóa hoạt động của mình ở nơi khác để hạn chế việc phụ thuộc quá mức vào một nguồn duy nhất.

Các ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, chẳng hạn như năng lượng tái tạo và xe điện (EV), đang dẫn đầu xu hướng rời khỏi Trung Quốc, theo ông Michael Ignatiadis, Giám đốc Chiến lược Sản xuất, Châu Á Thái Bình Dương của JLL.

Cuộc đua chính sách của các quốc gia

Đơn cử, BYD - gã khổng lồ xe điện của Trung Quốc đã bơm 17,9 tỷ baht (500 triệu USD) để thành lập một cơ sở mới ở Thái Lan nhằm sản xuất 150.000 xe điện mỗi năm bắt đầu từ năm nay. Hay vào tháng 1 năm nay, nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Great Wall Motor cũng bắt đầu sản xuất Ora EV tại nhà máy ở TP Rayong, Thái Lan.

Theo báo cáo từ JLL, bối cảnh đang thay đổi này đã tạo ra những cơ hội ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Điều này được phản ánh qua mức FDI tăng trưởng đáng kể tại các quốc gia.

Dù Trung Quốc vẫn nắm giữ phần lớn lượng vốn FDI sản xuất trong khu vực trong năm 2023, các số liệu cho thấy khoảng cách với các quốc gia khác đang được thu hẹp. Về nhì sau Trung Quốc là Indonesia với 28,7 tỷ USD đầu tư, tăng 4 tỷ USD so với năm trước. Theo sau là Việt Nam với vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất đạt 23,5 tỷ USD, tăng hơn 30%.

“Chính phủ các nước nhận ra những cơ hội từ sự chuyển dịch này và đang triển khai nhiều chính sách hơn nhằm thúc đẩy ngành sản xuất nội địa. Tất cả đều đang cạnh tranh để thành cường quốc sản xuất tiếp theo”, báo cáo từ JLL nhận định.

Bên trong một nhà máy sản xuất xe điện tại Hải Phòng, Việt Nam.

Bên trong một nhà máy sản xuất xe điện tại Hải Phòng, Việt Nam.

Trong “cuộc chiến ngầm” này, Ấn Độ đang thực hiện chương trình khuyến khích liên kết sản xuất (PLI) nhằm thúc đẩy nền kinh tế rộng lớn hơn và tận dụng sự thay đổi sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, chính phủ nước này đã mở rộng chương trình, đưa ra các ưu đãi lên tới 2,2 tỷ USD để thu hút các nhà sản xuất trong 6 lĩnh vực mới, bên cạnh 14 lĩnh vực trước đây được đề cập trong chương trình này.

Trong khi đó, Thái Lan xây dựng gói ưu đãi của Hội đồng Đầu tư (BOI), tập trung vào các ngành công nghiệp trọng điểm như điện tử và thiết bị điện, ô tô, hóa dầu và hóa chất. Với lĩnh vực điện tử và thiết bị điện, cung cấp các ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới 10 năm đối với việc sản xuất chất bán dẫn hàng đầu.

Singapore cũng có nhiều chương trình ưu đãi nổi bật, chẳng hạn Pioneer - chương trình ưu đãi kéo dài đến hết ngày 31/12/2028, cho phép các công ty đủ điều kiện được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất sản phẩm tiên phong. Chương trình Đổi mới tăng cường các khoản khấu trừ thuế cho các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động như nghiên cứu và phát triển (R&D), đăng ký sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo được thực hiện với các trường cao đẳng bách nghệ và cao đẳng kỹ thuật. Chương trình sẽ có hiệu lực từ năm 2024 đến năm 2028.

Chương trình Build Better More của Philippines thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, từ đó tác động, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước. Năm 2024, nước này đã đề xuất 24,4 tỷ USD ngân sách cho các dự án cơ sở hạ tầng cải thiện kết nối trong và ngoài Metro Manila.

Malaysia có Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030). Đây là kế hoạch tổng thể cho ngành sản xuất của Malaysia, đưa ra lộ trình rõ ràng từ năm 2023 đến năm 2030 để duy trì khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất và các dịch vụ liên quan trên thị trường toàn cầu.

Indonesia với chiến lược “Making Indonesia 4.0” khởi động vào năm 2018, nhằm mục đích triển khai các công nghệ sản xuất mới trong các lĩnh vực quan trọng nhất của Indonesia, bao gồm ô tô, thực phẩm và đồ uống, điện tử và hóa chất. Nước này cũng cho phép sở hữu 100% vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành công nghiệp then chốt (nếu đáp ứng một số điều kiện), bao gồm logistics, thương mại điện tử và kho lạnh.

Đâu là yếu tố quyết định?

Theo báo cáo JLL, động lực thúc đẩy xu hướng chuyển dịch đầu tư không chỉ là nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn là tận dụng các nền tảng vững chắc của khu vực ngoài Trung Quốc. Những nền tảng này bao gồm dân số, lực lượng lao động đông đảo, môi trường thu hút đầu tư, chi phí thuận lợi và các ưu đãi khác nhau.

Ở góc nhìn đầu tư sản xuất, những yếu tố này định vị Đông Nam Á và Ấn Độ là những trung tâm sản xuất lớn cho thị trường toàn cầu. Những quốc gia tại đây có chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc và khả năng tiếp cận nguồn nhân tài tổng phục vụ cho các nhu cầu sản xuất đa dạng.

Bên cạnh đó, theo ông Michael Ignatiadis, các ưu đãi của chính phủ, dưới hình thức trợ cấp tiền mặt và miễn thuế, là một sức hút lớn đối với các công ty sản xuất.

Ngoài các ưu đãi quốc gia, các hiệp định thương mại tự do như Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) cũng thu hút các nhà sản xuất, tạo thêm động lực cho các công ty xem xét chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc:

“Những thỏa thuận như vậy sẽ loại bỏ thuế quan, cho phép thương mại phát triển mạnh mẽ trong khu vực”, ông Peter Guevarra, Giám đốc, Tư vấn Nghiên cứu, Châu Á Thái Bình Dương, JLL nhận định.

Việt Nam vẫn là điểm thu hút giới đầu tư

Trong bối cảnh đó, với định hướng trở thành nền kinh tế xuất khẩu mạnh, Việt Nam sở hữu hàng loạt ưu đãi đầu tư nhằm thu hút vốn ngoại như miễn giảm thuế, ưu đãi về đất đai và thuê mặt bằng, hỗ trợ toàn diện trong suốt quá trình đầu tư…

Năm 2020, Quốc hội Việt Nam thông qua lần đầu Luật Đầu tư theo phương pháp đối tác công ty PPP, khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án hạ tầng quan trọng cũng dự kiến sẽ cải thiện phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới giao thông, lưới điện và khu công nghiệp, từ đó nâng cao năng lực logistics, kết nối và hiệu quả hoạt động.

Việt Nam cũng cam kết loại bỏ dần sản xuất điện than vào những năm 2040 và đạt được phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cam kết này đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất tìm kiếm môi trường sản xuất bền vững.

Theo báo cáo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư 7,43 tỷ USD vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Đây là ngành dẫn đầu - chiếm 67,1% tổng vốn đầu tư đăng ký trong tổng số 17/21 ngành kinh tế quốc dân nhận vốn FDI.

Gần đây, các số liệu đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư và kinh doanh nước ngoài vẫn tỏ ra tin tưởng vào cơ hội kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các nhà kinh doanh nước ngoài vẫn gia tăng hợp tác với các đối tác Việt Nam. Cụ thể, số liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam bốn tháng đầu năm 2024 đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó trong quý I/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến cuối tháng 3/2024 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong quý đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.

Rõ ràng, Việt Nam vẫn có một sức hút trong mắt các nhà đầu tư FDI bởi yếu tố chi phí nhân công chưa bằng phân nửa Trung Quốc, nhưng chất lượng nhân công tương đương (theo các khảo sát của JETRO và các đơn vị khác). Ngoài ra, Việt Nam có vị trí địa lý gần các chuỗi cung ứng công nghệ cao của châu Á và là một quốc gia trong nhóm ít chịu rủi ro bị áp thuế khi xuất khẩu sang Mỹ (nhóm friendshoring). Do vậy, trong cuộc đua này, Việt Nam vẫn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/viet-nam-o-dau-trong-cuoc-dua-thu-hut-fdi-va-thuc-day-san-xuat-tai-chau-a-1100034.html